Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2008

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2008

Buổi tiếp kiến Võ Đại tướng của Thiếu sinh quân các thế hệ

Ngày 17/9/2008, tôi vinh dự có mặt trong buổi viếng thăm của đại diện Thiếu sinh quân các thế hệ tới chúc sức khỏe Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở khu biệt thự Hồ Tây. Tiết trời đã sang thu, nắng không còn gắt, gió nhè nhẹ thổi vào từ phía hồ. Nghe nói sau cuộc phẫu thuật năm ngoái ông phải dùng khung inox để tựa khi di chuyển nhưng nay lại thấy ông chầm chậm bước vào phòng khách chỉ cần thêm người đỡ. Phu nhân Đặng Bích Hà đi bên. Thấy trong tốp đón ông có 2 cô gái đứng ở cuối hàng, ông quay ra hỏi: “Sao lại để 2 đồng chí nữ đứng phía sau?”. Ôi, Đại tướng tinh tế làm sao! Chúng tôi ùa vào phòng vây quanh chỗ ngồi của Võ Đại tướng và phu nhân. Khi đã ổn định, đại tá Nguyễn Huyên có lời: “Báo cáo anh Văn, hôm nay đại diện các thế hệ Thiếu sinh quân VN đến thăm và chúc sức khỏe anh”. Nghe đến đây, Đại tướng giơ tay lên chào. Sau khi đại tá Thái Chi (Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi thời kì chống Mỹ) lên tặng hoa, anh Lê Xuân Tùng (Thiếu sinh quân VN 1950, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội), thay mặt anh em phát biểu:

- Kính thưa Đại tướng Tổng Tư lệnh, trước hết xin phép được xưng hô “bác, cháu” cho thân tình. Thay mặt anh em Thiếu sinh quân VN các thế hệ, cháu xin có vài lời. Trước hết xin kính chúc bác thật mạnh khỏe để làm chỗ dựa tinh thần cho nhân dân cùng cán bộ, chiến sĩ cả nước! Thưa bác, ngay từ ngày 23/9/1945 ở Nam bộ đã xuất hiện những liên lạc viên, những đồng tử quân tuổi thiếu niên, rồi khi bùng nổ “Toàn quốc kháng chiến” lại xuất hiện những Vệ út của Trung đoàn Thủ đô, những Thiếu sinh quân Khu IV, Khu X... Không khác gì Ga-vơ-rốt các bạn len lỏi khắp các mặt trận lúc thì đưa thư, khi tiếp đạn hay băng bó cho thương binh; khi ngưng tiếng súng lại được thế hệ cha chú dạy chữ, dạy nết. Rồi Đảng, Bác Hồ nhận thấy việc bồi dưỡng kế cận là cần thiết. Đến ngày 10/11/1948, Đại tướng đã kí quyết định số 425/TCH cho Thiếu sinh quân các đơn vị được đi học tập trung và thống nhất gọi thế hệ ấy là Thiếu sinh quân VN. Hôm nay, các bạn Thiếu sinh quân từ miền Nam ra, từ các tỉnh về, được phép đến thăm và chúc sức khỏe bác.

Trong không khí rất ấm cúng, gần gũi giữa anh Văn - người anh cả của lực lượng vũ trang với các thế hệ Thiếu sinh quân, bà Hà quay sang ông: “Vậy anh phải có phát biểu gì cho văn văn một chút chứ?”. Ngưng một lát, Đại tướng chậm dãi nói:

- Hôm nay các đồng chí đại diện cho Thiếu sinh quân VN các thế hệ chống Pháp, chống Mỹ và thời kì đổi mới từ mọi miền Tổ quốc đến thăm và chúc sức khỏe. Tôi rất xúc động và xin chân thành cảm ơn các đồng chí! (Anh em vỗ tay hưởng ứng). Vậy Thiếu sinh quân các thế hệ đã cống hiến cho Tổ quốc thế nào?

Anh Lê Xuân Tùng tiếp lời: “Đã 60 năm trôi qua, thế hệ Thiếu sinh quân thời chống Pháp đều trưởng thành. Sau đó có nhiều đồng chí đảm nhận những cương vị trọng trách của Đảng, Nhà nước, là tướng lĩnh như Vũ Khoan, Vũ Mão, Bùi Hồng Phúc, Cao Long Hỷ..., có nhiều bạn là những nhà khoa học, giáo sư, viện sĩ hay văn nghệ sĩ nổi tiếng. Có cả những “tư sản đỏ” như Lê Minh Ngọc. Đến nay, lớp chúng cháu đã ngoài 70, có bạn đã gần 80, hầu hết đã nghỉ hưu…”. Nghe đến đây, Đại tướng ngắt lời: “Các đồng chí xứng đáng là “Bộ đội Cụ Hồ”! Còn thế hệ chống Mỹ thì thế nào?”.

- Báo cáo Đại tướng, - Chuẩn đô đốc Hải quân Lê Văn Đạo tiếp - thế hệ chống Mỹ có trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Hiện nay lứa chúng cháu còn nhiều bạn đang công tác. Trong số đó có bạn Nguyễn Thiện Nhân là Phó Thủ tướng và 1 trung tướng, 11 thiếu tướng cùng các cán bộ cao cấp trong và ngoài quân đội. Thời kì đổi mới có các trường Thiếu sinh quân của quân khu I, V, IX và TpHCM là những địa chỉ cung cấp nguồn đào tạo sĩ quan cho quân đội.

- Vậy là tốt, công tác đào tạo cán bộ vô cùng quan trọng!

Khi biết lần này về thăm có thầy trò trường Thiếu sinh quân Quân khu I do Hiệu trưởng đại tá Đàm Dũng - con trai của Trung tướng Đàm Văn Nguỵ, ông cảm thấy thật hài lòng vì con cháu đồng đội đã tiếp được bước cha anh.

Nhà báo Sĩ Ẩn thay mặt Ban Liên lạc truyền thống các trường Thiếu sinh quân VN lên gắn kỷ niệm chương cho Đại tướng và báo cáo: “Ngày 26/10 năm nay, tại TpHCM, họp mặt chính thức của Thiếu sinh quân toàn quốc các thế hệ sẽ được tổ chức. Chúng cháu nhất trí chọn ngày 10/11 là ngày truyền thống của Thiếu sinh quân VN”.

Đến phần tặng quà cho Đại tướng, ông yêu cầu cho xoay lại tấm ảnh để nhìn rõ hơn những chú bé đầu trọc, tay cầm sách, ngồi học ngay bên hào giao thông trong rừng hay cả lớp C2 trong quân phục đứng quanh thầy giáo Phạm Tuyên, thời kì ở La Bằng, Thái Nguyên năm 1950. Cảm động hơn khi Đại tá Nguyễn Xuân Thâm, cựu Thiếu sinh quân 1946, được giới thiệu sẽ tặng Đại tướng một món quà đặc biệt. Anh Thâm đứng sát bên Đại tướng, nói: “Báo cáo Đại tướng, trong tấm ảnh này là cháu và anh Phát. Chúng cháu chụp trước khi lên tầu vào miền Nam đi Nam tiến cuối năm 1945. Đã 63 năm trôi qua…”. Đại tướng nheo mắt ngắm những người trong ảnh rồi quay lại nhìn 2 “chiến sĩ già” của mình với ánh mắt đầy xúc động.

Thời gian chuyện trò bên Đại tướng không cho phép kéo dài, sợ ảnh hưởng tới sức khỏe. Chúng tôi được bố trí chụp ảnh chung với ông, sau đó là bức ảnh của anh em đại diện miền Nam. Khi nghe đại tá Nguyễn Huyên đề nghị, Đại tướng khẽ cười: “Rồi, phải ưu tiên cho thế hệ trẻ. Ưu tiên cánh Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi và thầy trò Thiếu sinh quân Quân khu I được chụp riêng với tôi”. Chúng tôi quây quần bên ông bà như những đứa con bên cha mẹ mình.

Đúng là một buổi gặp gỡ hiếm có của một vị Tổng chỉ huy với những người lính!

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2008

BA MƯƠI PHÚT TIẾP KIẾN ĐẠI TƯỚNG

Nhân kỷ niệm lần thứ 97 của Võ Đại tướng, xin post lại kỷ niệm với ông nhân 40 năm Trường Trỗi.

Sắp đến ngày Hội trường, Ban Liên lạc phía Nam được báo: Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận lời đến dự họp mặt ở Hà Nội. Trong lễ kỷ niệm tại thành phố Hồ Chí Minh, sáng 8 tháng 10, khi ban tổ chức thông báo tin này, cả hội trường vỗ tay rần rần. Vậy là bác vẫn dõi theo từng bước trưởng thành của anh em ta.
Sáng hôm sau, chúng tôi (Dương Minh, Hồ Bá Đạt, Dương Đức Hải, Hồng Hà, Kiến Quốc…) từ miền Nam bay ra, có mặt tại Trung tâm Báo chí quốc tế - 11 Lê Hồng Phong. Thầy trò, bạn bè bao năm mới gặp nhau. Mừng vui khôn xiết. Thật tiếc hôm đó bác Văn không đến vì được mời dự lễ hội “995 năm - Thăng Long, Hà Nội”. Vợ bác, cô Đặng Bích Hà, thay mặt đến dự. Với thầy, trò trường Trỗi, nhất là khách từ Quế Lâm sang, thì đây là một hạnh phúc! Cuối buổi lễ, chúng tôi quây quần bên cô chụp ảnh kỉ niệm. Tối hôm đó, đang dự tiệc đáp lễ của trường Y Trung, Võ Hạnh Phúc điện thoại báo tin: “ông già” đồng ý cho anh em Trỗi tiếp kiến vào sáng mai.
Gần 10 rưỡi sáng, anh em tập trung ở cổng 30 Hoàng Diệu. Hùng Thanh ghé tai tôi: “Ông thay mặt anh em phát biểu!”. “Nhưng tôi khoá 5?”. ”Ông ở Ban Liên lạc trường, lại từ miền Nam ra. Anh em nhất trí tiến cử ơng!”. Chỉ mấy câu ngắn gọn, tôi hiểu đây không chỉ là vinh dự mà còn là một mệnh lệnh vì được thay mặt toàn trường báo cáo với Đại tướng. Toàn bộ nội dung tuy đã sẵn trong đầu nhưng phải tóm gọn lại vì không cho phép nói dài, ảnh hưởng tới sức khỏe của bác.
Chúng tôi được mời vào phòng tiếp khách. Trong văn phòng Đại tướng thấy ảnh, trướng treo kín bốn bức tường. Dương Minh Đức mời đại tá Trịnh Nguyên Huân cùng dự. Hạnh Phúc chạy đi chạy lại rồi vào thông báo: “Ông già cẩn thận hỏi ai phát biểu chính. Tớ bảo Kiến Quốc, con bác Trần Tử Bình. Cụ gật đầu. Khi bác Văn và cô Hà bước vào, chúng tôi cùng đứng dậy. Châu Nguyên, Dương Minh ôm hai bó hoa ra tặng. Bác nhận hoa, cảm ơn rồi mời mọi người cùng ngồi. Tôi được xếp ngồi cạnh bác. Khi đã ổn định, tôi đứng lên xin phép bắt đầu:
- Kính thưa bác Võ Nguyên Giáp và cô Hà! Thay mặt cho thầy, trò trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, cháu xin cám ơn bác và cô đã dành cho chúng cháu chút ít thời gian để có buổi gặp mặt quý báu này! Chúng cháu - những học sinh chuyên Toán khóa 4 và 5, cùng với Võ Hạnh Phúc, thay mặt toàn trường, chúc cô và bác mạnh khỏe, sống lâu!
Thưa bác, ngày 15 tháng 10 năm nay, trường Nguyễn Văn Trỗi kỉ niệm 40 năm truyền thống. Sáng hôm qua, thầy, trò toàn trường cùng đại biểu phụ huynh học sinh, gia đình liệt sĩ, đại diện xã Mỹ Yên, Đại Từ và cả các thầy, bạn từ Quế Lâm (Trung Quốc) đã về Hà Nội, dự Ngày hội trường. Trong 5 năm, từ 1965 đến 1970, nhà trường với hơn 200 thầy, cô giáo đã đào tạo 8 khóa với gần 1.200 học sinh. Bốn mươi năm qua, được sự giáo dục, rèn luyện của quân đội, của nhà trường, có hơn 800 bạn trở thành sĩ quan quân đội, gần 1.000 bạn có trình độ đại học và trên đại học, trên 100 bạn có học vị tiến sĩ. Hiện nay, hàng trăm học sinh của nhà trường là cán bộ cao cấp trong quân đội, nhiều người làm công tác nghiên cứu trong các học viện, nhà trường, nhiều bạn đảm đương những nhiệm vụ trọng trách trong bộ máy quản lí trong và ngoài quân đội, như Thiếu tướng Nguyễn Chiến, Thứ trưởng Trần Chiến Thắng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Phó ban Nội chính Trung ương Dương Thành Bắc, Cục trưởng Cục Đầu tư Bùi Vinh, Cục phó Cục Kinh tế Phùng Thế Quảng, v.v…
- Thế đồng chí quên chưa báo cáo về mình? – Bác quay sang hỏi tôi.
(Nghe bác hỏi, đứa nào trong chúng tôi đều cảm phục vị tướng già, chỉ còn vài năm nữa là tròn 100 tuổi, vậy mà sáng suốt lạ thường!).
- Báo cáo bác, cháu và nhiều bạn ở đây là học trò của thầy Trịnh Nguyên Huân ở Đại học Kỹ thuật quân sự. (Tôi chỉ tay về phía anh Huân). Sau khi ra trường, cháu được giữ lại làm giáo viên 15 năm. Đến năm 1990 thì chuyển ngành ra Hội Tin học. Hiện nay là chủ doanh nghiệp may mặc xuất khẩu ở thành phố Hồ Chí Minh với trên 1000 công nhân.
- Thế doanh số xuất khẩu bao nhiêu? Xuất đi đâu?
- Dạ, mỗi năm trên 200 tỷ và xuất sang Mỹ, EU, Nhật bản, Hàn Quốc ạ. Thưa bác, chúng cháu rất tự hào với truyền thống cách mạng của gia đình, của cha mẹ và luôn dạy cho con cháu truyền thống đó. Chúng cháu kiên quyết đi theo con đường của bác, của cô Hà và của cha mẹ đã đi.
- Như vậy là tốt! Các cháu nên nhớ dân tộc ta đã anh hùng trong bảo vệ Tổ quốc nhưng nếu để cho đất nước nghèo nàn, lạc hậu là có tội, là một nỗi nhục lớn. Bây giờ đến ai phát biểu? – Bác chỉ Châu Nguyên, con bác Trần Đăng Ninh, ngồi cạnh cô Hà - Phải ưu tiên cho con gái, Châu Nguyên có ý kiến gì nào?
Châu Nguyên đứng lên, xúc động nói:
- Kính thưa bác Văn, thưa cô Hà, gia đình cháu luôn không quên sự quan tâm và tình cảm của cô, bác dành cho… (Châu Nguyên lau nước mắt). Những năm tháng được học tập dưới mái trường Văn hoá quân đội, được các thầy, cô giáo tận tình chăm sóc, dạy dỗ, chúng cháu đã trưởng thành. Bốn mươi năm qua, đứa nào cũng giữ được bản chất tốt đẹp của cha mẹ - thẳng thắn, trung thực, không có bạn nào dính vào tham nhũng, tham ô, không có ai mua quan bán chức.
- Rất tốt! – Đại tướng ngợi khen.
Biết chúng tôi không quên công ơn của nhân dân Trung Quốc, của thành phố Quế Lâm dành cho nhà trường những năm sáu bảy, sáu tám; và hiện nay vẫn duy trì quan hệ tốt với thầy, trò trường Y Trung theo đường lối “ngoại giao nhân dân”, bác gật đầu: “Vậy các cháu biết sống nghĩa tình, có trước có sau!”. Nhân tiện cô Hà còn nhắc lại chuyện cũ: “Ngày mới tổ chức nhà trường, cũng có ý kiến cho là Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng nuông chiều con cái cán bộ. Cô có ba đứa là học sinh nhà trường nghe nói vậy cũng dao động, định xin cho con về. Qua bốn mươi năm, các cháu được đào tạo và trưởng thành đã chứng minh: quyết định ngày ấy là hoàn toàn đúng!”. Cô vừa dừng lời, tôi đứng lên: “Báo cáo bác và cô, chúng cháu rất tự hào vì trường Nguyễn Văn Trỗi có hai thầy giáo và 27 học sinh đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc. Tại sao lại nói con cái cán bộ chỉ trốn tránh nghĩa vụ, không dám ra trận? (Chợt nhớ tới phải tặng bác cuốn sách, tôi cầm lên, trao cho bác)... Thưa bác, Phan Đình Nhân đã biếu bác cuốn “Sinh ra trong khói lửa” tập II. Đó là quà của Ban Liên lạc nhà trường. Còn đây là quà của Ban biên tập biếu bác. Tác phẩm này được thầy, trò chúng cháu làm từ A đến Z”. Cụ hóm hỉnh ngắt lời:
- Vậy tập I đâu?
- Thưa bác, cháu và anh Kháng Chiến đã đến thăm và tặng bác tập I vào dịp Tết năm 2002 ạ. (Tôi chỉ vào trang bìa có hình ảnh người chiến sĩ đang đưa tay lên vành mũ chào). Đây là liệt sĩ Lê Minh Tân - con chú Lê Bưởi, đại tá, lính của bác ở Bộ Tổng tham mưu. Trước khi ra mặt trận, anh có một lời thề “Vào Đảng mới viết thư về nhà!”. Anh đã giữ đúng lời thề đó. Viết xong lá thư đầu tiên (và cũng là lá thư cuối cùng) vừa đúng sáu ngày thì anh hy sinh…
Bác lặng đi một lúc rồi quay sang viên sĩ quan cận vệ: “Lấy cho tôi cuốn “Điện Biên Phủ”, xuất bản năm 2004, để tặng nhà trường!”. Viên sĩ quan mở trang đầu, trao bút cho Đại tướng, nói:
- Dạ, xin anh viết “Thân tặng Trường…”.
Vừa nghe anh ta nói, tôi liền nheo mắt. Cái anh chàng này trẻ măng, bằng tuổi cháu mình, “mới nứt mắt” mà dám gọi cụ là “anh”? Còn bác thì thoải mái phóng bút. Chữ cụ vẫn rất đẹp. Lúc bác viết, cô Hà mời: “Các cháu cứ tự nhiên tâm sự, như họp mặt gia đình ấy mà! Ngồi nói cũng được”. Hồ Chương vẻ mặt suy tư, lúc ấy mới mạnh dạn:
- Thưa bác, thưa cô! Cháu là Hồ Chương. Chưa được trực tiếp nói chuyện với bác lần nào nhưng cháu cũng đã nhiều lần được đón bác xuống thăm Viện Kỹ thuật quân sự. Bố cháu là Xuân Thiêm, trước công tác ở Tạp chí Văn nghệ quân đội…
Vừa nghe đến tên bố của Hồ Chương, cô Hà nói:
- Bố cháu là nhà thơ, nhà thơ Xuân Thiêm. Cô biết. Cô sẽ gửi tặng bố cháu cuốn Hồi ký của ông Đặng Thai Mai. Nay bố cháu sống ở đâu?
- Dạ, bố cháu nghỉ hưu ở Hưng Yên ạ.
Nhận ra sự có mặt của nghệ sĩ ưu tú, đại tá Dương Minh Đức, phu nhân Đại tướng vui vẻ hỏi:
- Cô nhớ cháu là “giọng ca vàng”, có đúng không?
- Dạ, đúng ạ – Đức trả lời - nhưng đã lâu rồi. Thỉnh thoảng cháu vẫn đi biểu diễn. Hiện nay thì vừa dạy học vừa làm công tác quản lí.
- Cháu hãy báo cáo về công việc của nhà trường cho bác Văn nghe!
- Thưa bác Văn, về trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật quân đội, bác đã biết. Cháu chỉ xin báo cáo một công việc điển hình: Vừa qua, nhà trường đã xin được kinh phí của Bộ Quốc phòng, đào tạo miễn phí con em các dân tộc Tây Nguyên. Vụ “nhà nước Đề-ga” năm nào là bài học đau xót vì chúng ta không nắm được dân. Chúng cháu quan niệm muốn nắm được dân phải thông qua văn hoá, mà chính các em được quân đội đào tạo sẽ là những người nòng cốt. Cháu xin báo với bác một tin vui, nhân dịp 60 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng 2 tháng 9, 120 em học sinh (trong đó có 80 em người dân tộc Tây Nguyên) đã biểu diễn thành công tại Nhà hát lớn Hà Nội vở ca kịch “Đất nước đứng lên”, phỏng theo tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyên Ngọc, do nhạc sĩ An Thuyên cùng tập thể giáo viên nhà trường dàn dựng.
- Tốt! Các cháu làm được nhiều việc tốt! – Đại tướng vui ra mặt - Nhưng không chỉ làm tốt, các cháu phải dũng cảm, dám đấu tranh với cái xấu, phải dám nói các chính kiến của mình trong các diễn đàn, hội nghị.
Trong khi bác đang nói, tôi nghe thấy chàng sĩ quan cận vệ ghé tai cô Hà, nói nhỏ: “Chị viết tặng sách xong để còn kết thúc. Anh phải nghỉ một lát rồi còn làm việc với anh Huyên!”. Lúc đó tôi mới hiểu: À, ra các đồng chí trong Văn phòng Đại tướng luôn gọi bác là “anh Văn” để tạo cho bác một tâm lí – “còn rất trẻ”. Cũng là một liều thuốc bổ! Đúng lúc đó Hạnh Phúc ghé tai tôi, thì thầm: “Văn Công Phước muốn phát biểu. Cậu giới thiệu đi!”. (Chơi với Hạnh Phúc từ ngày còn bé vì hai nhà sát gần nhau. Trước khi lên trường Trỗi còn cùng sơ tán lên cơ quan Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc ở Vĩnh Yên, chỗ chú Kim Ngọc. Nay thấy bạn xử sự đầy kinh nghiệm, tôi rất phục). Chờ cho cô Hà viết xong, tôi đứng lên, thưa:
- Thưa bác, thưa cô, cuộc gặp gỡ cũng đã dài, sợ bác mệt. Nay bạn Văn Công Phước xin có lời kết thúc!
Phước trịnh trọng đứng lên:
- Kính thưa bác Võ Nguyên Giáp, cháu là Văn Công Phước - đại tá, bác sĩ, từng công tác ở Viện quân y 175. Nay được Bộ Y tế tin tưởng giao nhiệm vụ mới, giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ. Ở địa bàn miền Tây Nam bộ, bà con ta có nhiều đóng góp cho cách mạng trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Chiến tranh đã kết thúc 30 năm nhưng cuộc sống của bà con còn rất nhiều thiếu thốn, nhất là vấn đề chăm sóc sức khỏe. Với chúng cháu công việc mới chỉ là bắt đầu, nhưng xin hứa với bác mang theo tinh thần của học sinh trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, chúng cháu sẽ quyết tâm xây dựng bệnh viện trở thành một trung tâm y tế mạnh ở vùng sâu vùng xa. Cuối cùng, cháu xin kính chúc bác, cô và gia đình thật mạnh khoẻ, hạnh phúc!
Phước vừa phát biểu xong, chúng tôi vỗ tay và chạy lên vây quanh bác. Bác giục: “Bác cháu ta tranh thủ chụp mấy tấm ảnh kỷ niệm để còn làm việc khác!”. Cô Hà và bác Văn như cha như mẹ ngồi giữa, còn chúng tôi như bầy con ríu rít xung quanh. Xong xuôi, từng đứa lên nắm chặt tay, chào bác. (Thật ra ai cũng muốn nấn ná kéo dài thời gian để được trò chuyện với Đại tướng, nhưng là người lính, chúng tôi hiểu thế nào là “giới hạn cho phép”…).
Buổi viếng thăm Đại tướng - lão đồng chí mà tên tuổi lẫy lừng năm châu bốn biển, thật bình dị, dân dã, ấp áp tình cha con, tình đồng chí, đồng đội. Hiếm có một buổi gặp gỡ nào cảm động hơn thế!
Vừa ra tới cửa đã thấy đại tá Nguyễn Huyên, mang theo tài liệu, bước vào. Tôi thầm nghĩ, sức làm việc của Đại tướng quả là phi thường!

Thứ Năm, 21 tháng 8, 2008

Chiến sĩ quốc tế Đào Chính Nam

Mời bạn vào QĐND Cuối tuần 21/8/08!

Cụ Đào Chính Nam là phụ huynh của Đào Đức Thanh k7. Khi bài đã được in, Thanh báo: khi ông được Phùng Chí Kiên giao nhiệm vụ nằm lại trong đội ngũ quân Tưởng, chúng đã gắn cho ông quân hàm đại tá. Thậm chí sau này suýt phong thiếu tướng thì ông bỏ về với cách mạng.

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2008


Năm ngóai khi Hoàng Phước Bình k4 vào TpHCM chăm sóc con gái thay thận, Bình mời tôi về nhà. Khi ra về, hắn tặng tấm ảnh nhân ngày kỷ niệm thành lập Đội Thiếu niên tiền phong VN 15/5/1965, bà chị Bình được vinh dự thay mặt các bạn tặng Bác Hồ chân dung anh Trỗi. Đây là niềm tự hào của gia đình, nhất là ông bà già.

Nay xin giới thiệu!


Thứ Hai, 18 tháng 8, 2008

Tuổi hai mươi được tham gia lật trang sử nước nhà

TP - Một ngày đầu tháng 8, chúng tôi đến thăm đại tá Lê Trọng Nghĩa, nguyên Ủy viên UBKN HN 1945, Cục trưởng Cục Quân báo đầu tiên năm 1950.

Đã 85 tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn và minh mẫn, ông chậm rãi kể lại những kỷ niệm của hơn 60 năm trước…

Ông Lê Trọng Nghĩa trước cửa Nhà hát Lớn TP Hà Nội
…Đầu năm 1939, khi đang học trường Gia Long (Hà Nội) thì tôi chuyển về Hải Phòng, tiếp tục học Thành chung năm thứ 3 và 4 ở trường Bonnal do ông Le Mineur, người Pháp, làm Hiệu trưởng.

Ngày mới về nghe đồn trong lớp có một bạn học rất giỏi và tài hoa. Đó chính là Nguyễn Đình Thi. Nhà trường hay tổ chức liên hoan văn nghệ, Thi thường lên sân khấu vừa đệm măng-đô-lin vừa hát. Từ đó chúng tôi luôn bên nhau.

Ở trường, trong giờ Lịch sử, các giáo sư người Pháp giảng cả về Cách mạng Dân chủ tư sản Pháp cùng tên tuổi các nhà cách mạng, cả về Công xã Ba-lê…

Việc làm này đã hình thành trong đầu óc học sinh chúng tôi những tư tưởng tự do, dân chủ. Ngoài giờ học, anh em hay tham gia sinh hoạt ngoại khóa.

Thi là hội viên Hội Hướng đạo do cụ Hoàng Đạo Thúy đứng ra tổ chức, hoạt động công khai thông qua các sinh hoạt tập thể (cắm trại, dã ngoại…), nêu cao tinh thần yêu nước.

Tháng 9/1940, Nhật nhảy vào Lạng Sơn, sau đó ném bom Hải Phòng. Dân thành phố Cảng trực tiếp chịu tai họa chiến tranh. Mỗi lần thấy giặc Nhật ngang nhiên chém giết dân ta mà nung nấu chí căm hờn.

Thanh niên, học sinh Hải Phòng ngấm ngầm tìm hiểu sách báo của Tự lực Văn đoàn, Mặt trận Bình dân, của phong trào dân chủ ở Sài Gòn, thậm chí đọc cả sách của Hít-le…

Hiểu biết dần được mở mang. Tôi và anh Thi cùng một số bạn bí mật trao tay những sách báo tiến bộ: “Đông Dương, SOS!”, “Lịch sử Đảng cộng sản Bôn-sê-vich Nga”…

Chúng tôi trăn trở: Thi xong diplome sẽ làm gì? Đi theo con đường nào, cộng sản quốc tế hay giải phóng dân tộc? Theo quốc tế cộng sản thì vấn đề dân tộc Việt sẽ ra sao? Cách mạng xong thì nhà nước được tổ chức thế nào?...

Có tin ở Bắc Sơn, Việt Bắc đang có chiến tranh du kích, rồi tin về Khởi nghĩa Nam Kỳ… Nhất là với tin tức về Mặt trận Việt Minh, chúng tôi đã khẳng định: “Chương trình Việt Minh” kết hợp được 2 vấn đề quốc gia và quốc tế, đồng thời sau khi giành chính quyền sẽ xây dựng nền dân chủ, cộng hòa.

Sau đó, hai anh em quyết định lên Hà Nội, rồi phân công: Thi vào học trường Bưởi, Nghĩa vào trường Thăng Long. Thành ủy Hà Nội suốt mấy năm liền bị khủng bố, bí thư mới về chưa nóng chỗ đã bị đánh bật ra.

Cuối cùng, chúng tôi bắt liên lạc được đ/c Xuyện - cán bộ Ban Cán sự (em trai đ/c Trần Quang Huy, học sinh Thăng Long 1935-40). Thành ủy HN mới được khôi phục lại sau 6 lần bị đàn áp”.

Hai chàng trai cùng tham gia Thanh niên cứu quốc. Ngày 6/1/1942, khi đang rải và dán truyền đơn ở cửa trường Thăng Long và Gia Long để kỷ niệm ngày thành lập Đảng, ra mắt Việt Minh thì 2 anh em bị bắt cùng các đ/c Xuyện, Thường.

Đến tháng 6/1942, Thi được thả, số còn lại bị đưa ra Tòa án Binh. Tôi bị kết án 4 năm, anh Xuyện- 5 năm, anh Thường- 5 năm và bị đưa về giam ở Hỏa Lò cùng Xứ ủy viên Trần Đăng Ninh.

Đêm 11/3/1945, lợi dụng Nhật hất cẳng Pháp ở Đông Dương, đ/c Trần Đăng Ninh leo tường vượt ngục cùng một số anh em (trong đó có Lê Trọng Nghĩa). Đêm hôm sau, 80 tù chính trị còn lại được đ/c Trần Tử Bình tổ chức trốn ra ngoài theo đường cống ngầm.

Ông Nghĩa kể tiếp: “Hôm sau, tôi tìm về trú nhờ nhà anh Trần Quảng Kiến (bạn trong nhóm học sinh Bonnal) tại 30 Triệu Việt Vương. Vài bữa sau, Nguyễn Đình Thi bấm chuông tìm gặp: “Tôi được “tổ chức” cử tới gặp anh. Anh tranh thủ về quê thăm các cụ rồi lên nhận nhiệm vụ”.

Anh đưa cho 20 đồng bạc Đông Dương cùng một thẻ căn cước giả đi đường. Sau khi từ Quảng Yên lên, tôi gặp đ/c Lê Đức Thọ và được giao nhiệm vụ cùng anh Vũ Quý sang Ban Cán sự của Dân chủ đảng (tổ chức đảng của các nhân sĩ, trí thức yêu nước) ở phía Bắc. Còn Nguyễn Đình Thi trước đã phụ trách báo “Độc Lập” của Dân chủ đảng, nay chuyển về hoạt động ở Hội Văn hóa cứu quốc...”.

Đầu tháng 8/1945, các anh trong Trung ương và Thường vụ Xứ ủy đều lên Việt Bắc, còn lại 2 ủy viên Thường vụ: Nguyễn Khang trực Hà Nội, Trần Tử Bình trực cơ quan Xứ ủy ở Vạn Phúc, Hà Đông.

Nguyễn Đình Thi được cử đi dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào. Còn tôi cùng các anh Trần Quang Huy, Nguyễn Quyết, Nguyễn Duy Thân tham gia vào UBKN HN do anh Nguyễn Khang làm Chủ tịch, anh Trần Đình Long làm cố vấn.

Tôi còn nhớ mãi cái không khí sôi động trong ngày 19/8/1945. Quần chúng nô nức kéo về Bờ Hồ. Khắp nơi hát vang bài “Tiến quân ca” (Văn Cao) và “Diệt phát xít” (Nguyễn Đình Thi).

Sáng đó sau cuộc mít-tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn, tôi theo chân anh Khang và anh Bình vào Bắc Bộ Phủ. Quần chúng cách mạng dũng mãnh vượt rào vào chiếm Phủ Khâm sai. Đ/c Trần Tử Bình cùng các chiến sỹ tự vệ, thanh niên xung phong tiến đến phòng làm việc của Nguyễn Xuân Chữ, cầm đầu “Ủy ban chính trị”.

Anh Bình lệnh cho tự vệ giải hắn về An toàn khu của Xứ, rồi yêu cầu quay máy cho tỉnh trưởng các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh thông báo ở Hà Nội, Việt Minh đã giành chính quyền và lệnh phải mau chóng giao chính quyền cho Việt Minh, nếu không sẽ bị xử tử.

Bên ngoài, quần chúng hạ cờ quẻ ly, giương cao lá cờ đỏ sao vàng nơi trung tâm hành chính của Bắc Bộ và cả nước. Đoàn biểu tình tiếp tục chiếm toà Thị chính, Kho bạc, Sở Cảnh sát Hàng Trống…”.

Giữa lúc đó, có tin báo cánh chiếm Trại Bảo an binh (đối diện rạp Majestic, nay là rạp Tháng Tám) do đ/c Nguyễn Quyết phụ trách đang gặp khó khăn. Quân Nhật cho xe tăng bít các ngả quanh doanh trại, chĩa súng vào quần chúng. Nhưng lực lượng ta kiên quyết không rời.

Hai ông Bình, Khang cùng ông Long hội ý gấp rồi cử Lê Trọng Nghĩa dùng chiếc xe Limouzine cắm cờ đỏ sao vàng, phóng ra thương thuyết với chỉ huy Nhật.

Chúng chấp nhận rút quân nhưng yêu cầu ta phải đến gặp Tư lệnh quân đội Nhật. Chiều hôm ấy, lực lượng cách mạng chiếm Trại không đổ một giọt máu và thu một kho vũ khí với hơn 1.000 khẩu súng.

Tối hôm đó, Thường vụ Xứ ủy cử ông Nghĩa và cố vấn Trần Đình Long đi gặp Tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật ở Đông Dương Tsuchihashi. Trước khi đi, ông Long chỉ dặn: “Chớ có động chạm đến việc quân đội Nhật đã đầu hàng Đồng minh hay bom nguyên tử đã nổ ở Hyrôsima hay Nagasaky”.

Cuộc gặp mặt mạo hiểm bắt đầu từ 8 giờ. Hai ông được dẫn vào phòng khánh tiết. Thấy trên tường treo lá cờ trắng mà ở giữa là mặt trời đỏ; tướng tá Nhật đứng xung quanh mặt lạnh tanh, súng gươm giắt đầy mình.

Hai ông chủ động chào hỏi rồi tự giới thiệu là đại diện của “cánh dân chúng nổi dậy chiếm Phủ Khâm sai sáng nay”. Như đã bàn bạc, ông Nghĩa lên tiếng: “Nghe tin Nhật Hoàng đã chấp thuận cho các ông rút quân về nước?”.

Vừa nghe 2 chữ “Nhật Hoàng”, nét mặt của đám tướng tá thay đổi hẳn. Sau đó, các nhà chức trách cao cấp Nhật bản xác định thái độ không can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt, mặc nhiên thừa nhận nhà chức trách đương quyền tại Bắc Bộ Phủ. Ngay sau đó, Đại sứ Tsukamoto điện báo về Tokyo…

Như vậy trong ngày 19/8 đã kết thúc nhanh chóng việc chiếm các cơ quan đầu não chính trị, quân sự của chính quyền Khâm sai ở Thủ đô mà không có sự chống đối, xung đột nào, không phải nổ một phát súng, không phải mất một giọt máu; đồng thời đã ngăn chặn được cuộc can thiệp của đội quân Nhật, có nguy cơ dẫn đến xung đột vũ trang hoặc đàn áp quần chúng. Và, thắng lợi ở Hà Nội lập tức kéo theo sự rúng động làm tan vỡ hệ thống chính quyền ngụy ở Bắc Bộ.

“Và ngay trong đêm ấy, - ông Nghĩa tiếp lời - khi từ Đồn Thủy trở về, tôi thấy Thường vụ Xứ ủy cùng UBKN HN vẫn đang chong đèn họp. Và sáng hôm sau, ngay tại vườn hoa Con Cóc trước Bắc Bộ Phủ, Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời của Bắc Bộ và Hà Nội chính thức ra mắt quốc dân đồng bào.

Có gì tự hào hơn khi ở độ tuổi hai mươi, chúng tôi đã được cùng đồng chí, đồng bào lật cuốn sử nước nhà sang một trang mới!”.

Kiến Quốc
Copyright (C) 2005 Tien Phong Online

Thứ Tư, 6 tháng 8, 2008

Chuẩn bị kỷ niệm 60 năm Thiếu sinh quân VN

Ngày 10/11/1948, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp kí quyết định thống nhất các trường Thiếu sinh quân (TSQ) toàn quốc. Và cái ngày trọng đại ấy sắp tròn 60 năm!
Nhóm các cựu TSQ thời kì chống Pháp, chống Mỹ (trong đó có trường ta) và các nhà trường TSQ các quân khu, quân chủng... đã nhóm họp. Ban Liên lạc truyền thống các trường TSQ VN khu vực Tp HCM được thành lập trong tổ chức Hội CCB VN TpHCM.
Ý tưởng tổ chức kỷ niệm, hội thảo về công tác giáo dục đào tạo cán bộ cho LLVT thông qua các nhà trường TSQ vào dịp này trong phạm vi toàn quốc được đưa ra nhưng khó thực hiện. Những người đứng đầu (nhất là TCCT) không thật mặn mà(!). Vì vậy sẽ tổ chức trước mắt tại khu vực phía Nam, sau đó vào đầu năm 2009 sẽ tổ chức ở phía Bắc (lấy cơ sở là trường TSQ Quân khu I).
Nay thông báo cho anh em!
Tất nhiên, anh em phía Nam sẽ gánh trách nhiệm thay mặt trường ta cùng tham gia.
(Kính chuyển Ban Liên lạc phía Nam và Dương Minh).

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2008

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2008

Chuyến hành hương về cội nguồn

Là con của những cựu tù chính trị thời chống Pháp, chúng tôi mong có dịp thăm lại những nơi cha chúng tôi đã sống, chiến đấu và chiến thắng. Vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/2007) chúng tôi đã lên thăm Nhà tù Sơn La và gia đình LS-AHLLVT Lò Văn Giá.

Sơn La – hơn 60 năm trước là nơi “rừng thiêng nước độc”, nợi mà thực dận Pháp đã biến thành địa ngục trần gian để lưu đày, hành hạ, giết dần giết mòn cả thể xác lẫn tinh thần những người chống lại chúng. Giữa núi rừng Tây Bắc điệp trùng, hôm nay mọc lên 1 thị xã, tuy chưa thật rộng lớn, sầm uất nhưng những con đuờng mới mở, những công trình đang xây, cho thấy sẽ là 1 thị xã đẹp và thơ mộng trong tương lai.

Đây là khu di tích Nhà tù Sơn La, nơi cha chúng tôi đã từng bị thực dân Pháp giam giữ. Nhà ngục trên đỉnh đồi đã bị bom Pháp (1944) và bom Mỹ (1968) phá hỏng. Phần tường nhà giam nổi trên mặt đất chỉ còn 30-50cm; nhưng cũng đủ đề hình dung trong khuôn viên 2170m2 ấy đã có 49 phòng giam lớn nhỏ với các hình thù méo mó, dị dạng. Thời gian cao điểm nhất có tới 500 tù chính trị bị giam cầm tại đây. Đã được nghe kể nhiều về Nhà tù Sơn La nhưng khi tận mắt nhìn từng phòng giam và nghe những câu chuyện gắn với nó qua lời cán bộ thuyết minh của Bảo tàng mới thật xúc động.

Nhà tù Sơn La không chỉ nổi danh với chế độ hà khắc, những ngón đòn tra khảo tàn bạo, độc ác của bọn thực dận, là minh chứng sống cho ý chí bất khuất, nghị lực phi thường, niềm tin mãnh liệt của những chiến sĩ cộng sản lớp tiền bối mà hôm nay đây tên tuổi được lưu lại trên các đường phố của thị xã như Tô Hiệu, Trần Huy Liệu… mà còn được biết đến bởi cuộc vượt ngục có 1 không 2 như huyền thoại của 4 chiến sĩ cộng sản Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu. Cuộc vượt ngục, xuyên rừng, lội suối, leo đèo ấy do anh thanh niên dân tộc Thái Lò Văn Giá dũng cảm đưa đường.

Chúng tôi dành nửa thời gian ở Sơn La đến thăm gia đình anh Lò Văn Thiện, con trai AH-LS Lò Văn Giá. Anh Thiện kể lại: Khi bố tôi đưa đường cho các bác ra tới nơi an toàn, khi trở về nhà thì bị Pháp phục bắt và xử bắn ngay. Lúc đó tôi mới 2 tháng tuổi, chị gái tôi (Lò Thị Liêu) khoảng 2 tuổi, nhà còn bà nội già yếu. Gia đình tôi đã từng rất khó khăn nhưng các bác chưa bao giờ quên chúng tôi. Tôi đã từng được Đảng, Nhà nước cho sang Liên-xô học về công tác Đoàn, rồi về làm việc ở Văn phòng Tỉnh uỷ. Nay cả 2 vợ chồng đã nghỉ hưu với lương hưu gần 3 triệu/tháng. Năm đứa con tôi đều được chính quyền chăm lo chu đáo, được tạo điều kiện học các trường phổ thông, trường dạy nghề. Cái khó là ở chỗ bây giờ yêu cầu nhiều tiêu chuẩn mà các cháu khó đáp ứng như vi tính, ngoại ngữ… cho nên chưa tìm được việc làm.

Trong không khí thân tình, anh Thiện chỉ vào ngôi nhà sàn bằng bê-tông kiên cố, khang trang và kể rằng đó là quà tặng của Tỉnh uỷ năm 1989. Gia đình có sửa lại cho đẹp hơn nhưng vẫn giữ dáng dấp bao đời của nhà sàn dân tộc Thái. Anh chị rót rượu mời chúng tôi cùng chúc cho nhau sức khỏe và may mắn.

Lưu luyến chia tay anh chị Thiện và các cháu, trong lòng thầm chúc cho các cháu sớm tìm được việc làm thích hợp.

Tháng 8/2007

Vân Mai - Quảng Nguyên

(BBT: Tháng 7/2007, các bạn k6 Tường Vân, Tuấn Quảng, Thắng “híp” đã du hành lên thăm Sơn La).

Thứ Tư, 23 tháng 7, 2008

Họat động tình nghĩa nhân 27/7

- BLLk5: Sẽ tới thăm gia đình LS Võ Dũng, Hùynh Kim Trung (TpHCM), còn ngòai Bắc đã lên kế họach thăm gia đình Nguyễn Lâm, Cường "mèo", Doanh "mán" và thắp hương cho mộ Phạm Văn Hạo ở Hải Dương.
- BLLk6: Nam Điện k6 thông báo anh em k6 TpHCM sẽ đến thăm nhà LS Đặng Bá Linh, Chu Tấn Quang. Còn anh em phía Bắc đã lên kế họach thăm gia đình LS Nguyễn Tiến Quân, Mạnh Minh, Võ Nguyên Trọng.
- BLLk7: Các bạn vừa tìm thêm được gia đình LS Đặng Đình Kỳ, Nguyễn Đức Thảo và có kế họach đến thăm. Đã lên kế họach lên thắp hương cho Thảo trên Thái Nguyên rồi về thăm gia đình ở Hà Đông. Một cánh do Quyết Thắng sẽ thăm LS Lại Xuân Lợi ở Nam Định.
- BLLk1, k3 và k4 đã lên kế họach chưa? Xin được thông báo lên blog.
Các nhóm đi cố gắng ghi lại hình ảnh và post lên blog cho anh em!

Thứ Ba, 22 tháng 7, 2008

Cách mạng Tháng Tám qua hồi ức của một Ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội

Nhân kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám 1945, Đài truyền hình Việt Nam mời Đại tá Lê Trọng Nghĩa - nhân chứng lịch sử, nguyên Uỷ viên Uỷ ban khởi nghĩa Hà Nội - tham dự buổi giao lưu trực tuyến “60 năm: Những thông điệp từ quá khứ”. Được vinh dự tháp tùng, tôi ghi nhận được nhiều chuyện thú vị.

Nhớ ngày Tổng khởi nghĩa
Suốt chuyến bay từ TPHCM ra Hà Nội, tuy đã 85 tuổi nhưng ông vẫn hào hứng kể lại những ngày Tổng khởi nghĩa sôi động ở Hà Nội. Chuyện như mới xảy ra ngày hôm qua. Ông còn dí dỏm nói: “Sau ngày cách mạng thành công, có người hỏi chúng tôi: Các ông có xem ngày, chọn giờ hay không mà Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội lại thắng lợi nhanh, gọn đến vậy?”.
… Sau khi thoát ngục Hoả Lò, tháng 5-1945, ông được đ/c Lê Đức Thọ phân công sang Ban cán sự Đảng CSVN bên cạnh Dân chủ Đảng cùng đ/c Vũ Quý. Ban cán sự nhanh chóng nắm các nhân sĩ, trí thức, công chức, sinh viên, học sinh trong Dân chủ Đảng. Họ là những người yêu nước, sẵn sàng ủng hộ Việt Minh.
Đầu tháng 8-1945, hầu hết các đ/c trong Trung ương và Xứ uỷ được triệu tập lên Tân Trào. Riêng 2 uỷ viên Thường vụ Xứ uỷ Bắc kỳ được phân công ở lại: Nguyễn Văn Đệ theo dõi Hà Nội, còn Phạm Văn Phu trực cơ quan Xứ uỷ, theo dõi 10 tỉnh đồng bằng Bắc bộ.
Không khí những ngày này sôi sục. Khi thăm dò anh em công chức Hà Nội, đã có ý kiến: nên khởi nghĩa vào ngày chủ nhật vì ngày đó các công sở đóng cửa, khi lực lượng cách mạng tấn công đánh chiếm thì lực lượng phòng vệ sẽ rất mỏng; mặt khác, anh em công chức ở nhà sẽ là lực lượng bổ sung ngay cho hàng ngũ cách mạng. Còn “giờ hành động” thống nhất ra sao khi không hề có phương tiện thông tin liên lạc trong tay? Lập tức có ý kiến: Đúng 10 giờ sáng, hệ thống còi gắn trên nóc Nhà hát Lớn, ga Hàng Cỏ, Nhà Tiền (nay là Nhà máy In Tiến Bộ) đồng loạt nổi lên. Loa chĩa bốn phương tám hướng, tiếng còi vang xa cả chục cây số, ở các quận huyện ngoại thành cũng nghe được. Như vậy có thể lấy tiếng còi tầm 10 giờ làm hiệu lệnh khởi nghĩa! Hai vấn đề này được báo cáo Xứ uỷ.
Thời kì đó, liên lạc phải thông qua Z.T (giao thông) chạy bộ, cùng lắm là đạp xe chứ không có điện thoại như bây giờ. Như vậy chỉ thị của Trung ương không thể trong ngày một ngày hai đến nơi mà phải mất cả tuần lễ. Mặc dù chưa nhận lệnh Trung ương, nhưng nắm chắc chỉ thị “Nhật-Pháp đánh nhau và hành động của chúng ta” và dựa vào thực tế cách mạng của Hà Nội mà Thường vụ Xứ uỷ Bắc kỳ quyết định thành lập Uỷ ban khởi nghĩa Hà Nội gồm Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ và 4 uỷ viên: Nguyễn Duy Thân, Nguyễn Huy Khôi, Nguyễn Quyết, Lê Ngọc cùng Cố vấn Trần Đình Long .
Thành ủy báo cáo về: Chiều 17-8 sẽ có cuộc mit-tinh của giới công chức ủng hộ “nền độc lập giả hiệu” của chính phủ Trần Trọng Kim, tổ chức ở quảng trường Nhà hát Lớn. Sáng đó, đ/c Đệ chỉ thị dùng lực lượng tự vệ phá mit-tinh, sau đó thì rút lui. Vậy mà buổi chiều, sau khi từ cuộc mit-tinh trở về An toàn khu ở làng Vạn Phúc (Hà Đông), đ/c phấn khởi báo cáo với Thường vụ: “Phải khởi nghĩa ngay. Thời cơ đến rồi!”. Chính cái không khí hừng hực, sục sôi của quần chúng cách mạng đã biến mit-tinh của giới công chức thành cuộc tuần hành, thị uy của quần chúng cách mạng. Quân đội Nhật cùng lính bảo an, cảnh sát không dám phản ứng. Chính thực tế cách mạng đã dạy cho người lãnh đạo phải hành động gấp!
Ngay trong đêm 17-8, Thường vụ Xứ uỷ quyết định chọn ngày chủ nhật 19-8-1945 là ngày Tổng khởi nghĩa.
Ông Nghĩa còn nhắc lại đêm mà Uỷ ban quân sự cách mạng triệu tập hội nghị cán bộ mở rộng ở Dịch Vọng (ngoại thành Hà Nội): “Hai ông Nguyễn Huy Khôi và Nguyễn Quyết chủ trì. Tôi đến chậm nhưng giữa cái không khí ồn ào nghe thấy giọng lanh lảnh của một nữ cán bộ trẻ, xinh xắn, mang dáng dấp của cô gái tỉnh lẻ: “Này, khi nào vào chiếm công đường, bắt bọn cầm đầu thì phải chú ý triệt ngay bọn lính dõng, bảo an. Nếu không chỉ vài phát súng nổ vào sau lưng quần chúng là tan hết…”. Đây là kinh nghiệm xương máu ở một huyện ở Bắc Ninh mà chị đã gặp. Đối với Uỷ ban quân sự cách mạng Hà Nội, đối với những ngưới chưa từng lãnh đạo khởi nghĩa vũ trang thì đây là một lời cảnh báo hết sức quý báu”. (Sau này mới biết đó là bà Phan Thị Sang, em gái đ/c Phan Trọng Tuệ. Ít lâu sau, bà xây dựng gia đình với ông Nguyễn Duy Thân. Đầu năm 1946, ông Nghĩa gặp lại 2 ông bà cùng là đại biểu khóa I của Quốc hội lập hiến).
Ngày 18-8, trụ sở Uỷ ban quân sự cách mạng chuyển vào nội thành, đóng tại số nhà 101 Gambetta (nay là 101 Trần Hưng Đạo).
Và sáng ngày 19-8-1945, đúng 10 giờ, sau hiệu lệnh còi kết thúc, cuộc mit-tinh tại quảng trường Nhà hát Lớn được bắt đầu. Ngay sau đó, hàng chục vạn quần chúng cách mạng chia làm 2 hướng, tấn công vào Phủ Khâm sai - cơ quan đầu não của chính quyền cũ và Trại Bảo an binh - nơi tập trung lực lượng quân sự mạnh nhất. Tại các quận, huyện ngoại thành, cũng sau “hiệu lệnh 10 giờ”, nhất loạt đánh chiếm các trung tâm hành chính.
Hà Nội đã biết vận dụng sáng tạo chỉ thị của Trung ương, dùng áp lực của quần chúng cách mạng có hỗ trợ của tự vệ vũ trang, kết hợp với đấu tranh chính trị, thương thuyết giành chính quyền về tay. Đến chiều 19-8, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội đã thành công rực rỡ.
Tối 19-8, sau khi ông Lê Trọng Nghĩa cùng “ông cố vấn” Trần Đình Long đi gặp và thuyết phục Toàn quyền Nhật ở Đông Dương chấp nhận chính quyền nhân dân. Khi trở về, đã 12 giờ đêm. Đèn trong trụ sở vẫn sáng trưng. Thường vụ Xứ uỷ họp ra quyết nghị thành lập ngay và ra mắt chính quyền mới vào sớm hôm sau.

Những cái tên mới
“Chúng tôi nhận thức: ngày 19-8 là ngày khai sinh một đất nước hoàn toàn độc lập, không còn áp bức, không còn nô lệ, người dân được làm chủ, hoàn toàn tự do. Vậy thì mỗi công dân mới cần có những thay đổi! - Ông Nghĩa kể tiếp - Chúng tôi đã chọn cho mình cái tên mới: anh Nguyễn Văn Đệ chọn tên là Nguyễn Khang, anh Nguyễn Huy Khôi đổi là Trần Quang Huy… Tên tôi là Đoàn Xuân Tín và thường dùng danh “giáo sư Lê Ngọc” khi đi gặp cụ Phan Kế Toại và Thủ tướng Trần Trọng Kim, nay chọn tên Lê Trọng Nghĩa. Lê Trọng là tên của người thầy giáo đầu tiên của tôi (em ruột bác sĩ Lê Văn Cơ, Giám đốc bệnh viện Quảng Yên, sau này theo Việt Minh), thầy có tư tưởng tiến bộ, dân chủ và yêu nước nên có ảnh hưởng lớn đến nhận thức của học sinh chúng tôi. Còn Nghĩa với ý là khởi nghĩa!”.
Ngay hôm sau, tại vườn hoa Con Cóc trước Dinh Khâm sai cũ, chính quyền cách mạng lâm thời ra mắt quốc dân, đồng bào. Đ/c Nguyễn Khang là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng Bắc bộ, Nguyễn Duy Thân phụ trách các cơ quan hành chính, Lê Trọng Nghĩa phụ trách đối ngoại. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng Hà Nội là đ/c Trần Quang Huy, uỷ viên là Phạm Tuấn Khánh...
Giới nhân sĩ, trí thức Hà Nội hết sức ngạc nhiên khi báo giới đăng tải tên tuổi của các vị lãnh đạo chính quyền mới. Họ đang chờ đợi những nhà lãnh đạo có tên tuổi như Dương Đức Hiền, Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu… mà nay là những cái tên rất lạ! Thậm chí, Bác sĩ Trần Duy Hưng còn hỏi: “Vậy lãnh tụ của các anh là ai?”. Thật thú vị! (Thực tế lúc đó, Bác và Trung ương chưa kịp về đến Hà Nội).

Chuyện của 60 năm sau
Sáng ngày 18-8-2005, Thành uỷ và UBND TP Hà Nội tổ chức mít-tinh trọng thể tại Nhà hát Lớn, kỷ niệm 60 năm Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Ông Lê Trọng Nghĩa là một trong những vị khách mời đặc biệt. Được gặp lại những đồng chí cũ của những ngày này năm xưa, ông bùi ngùi nhắc tới những đồng đội đã ra đi. Lúc chia tay những người đồng đội già, tôi còn nghe thấy cái giọng tâm đắc của ông: “Có lẽ việc lựa chọn ngày, giờ khởi nghĩa do hợp với lòng dân mà chỉ trong đúng có một ngày, nhân dân Hà Nội đã đứng lên, giành chính quyền về tay, không phải nổ một phát súng, không bị tổn thất đổ máu!
Sau này nhìn nhận lại, giá chỉ chậm thời điểm Tổng khởi nghĩa lại nửa ngày thì không hiểu lịch sử sẽ diễn biến ra sao! Sáng hôm sau, 20-8-1945, lực lượng vũ trang của ta trên Thái Nguyên đã tấn công vào đơn vị đồn trú của Nhật. Vậy mà trước đó chỉ mấy tiếng đồng hồ, tướng Tsuchihashi - Tổng tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật - đã xác định thái độ “không can thiệp vào công việc của người Việt”, mặc nhiên thừa nhận nhà chức trách đương quyền tại Bắc bộ phủ. Coi như một việc đã rồi…
Ngày 19-8-1945 mở đầu một kỷ nguyên mới của nước Việt Nam độc lập, của một dân tộc được làm chủ chính mình và hoàn toàn tự do! Đúng như Lênin đã dạy “Cách mạng là sáng tạo!” và chính nhân dân Hà Nội đã dạy cho chúng tôi, những người lãnh đạo khởi nghĩa, biết phải làm gì!... Còn ngày nay, công cuộc đổi mới sẽ thắng lợi nếu chúng ta biết dựa vào dân!”.

Thứ Ba, 15 tháng 7, 2008

60 năm Cách mạng Tháng Tám, theo chân 1 nhân chứng lịch sử

Tháng 5/2005
Lần vào SG, anh Dương Trung Quốc trao đổi với anh em tôi về ý định tổ chức giao lưu truyền hình trực tuyến “60 năm: Những thông điệp từ quá khứ” vào dịp kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám. Cái khó là trong chương trình phải thu xếp đón được cụ Lê Trọng Nghĩa, Ủy viên UBKNHN, 1 nhân chứng lịch sử, ra dự. (Tôi rất hiểu tâm tư và nguyện vọng của những người làm chương trình).
Vì ông già là 1 trong những người tham gia UBKNHN nên tôi tìm đọc các tư liệu rồi đi gặp gia đình các vị lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ngày ấy. Hầu hết các vị trong UBKNHN đã mất (Nguyễn Khang, Trần Quang Huy, Nguyễn Duy Thân, Trần Đình Long, Trần Tử Bình), tới hôm nay còn lại 2 cụ: Lê Trọng Nghĩa và Nguyễn Quyết.
Gặp cụ Nghĩa mới thấy tuy đã ngòai 80 nhưng rất bản lĩnh (cho dù chịu nhiều “va đập” của cuộc đời), rất tỉnh táo và có trí nhớ tuyệt vời (nhất là những con người và sự kiện Tổng khởi nghĩa ở HN). Từng có nhiều bài viết về cụ; lần này, tôi lĩnh trọng trách đón cụ. Ngày ấy, cụ sống trong TpHCM cùng vợ chồng Trọng Thắng. Anh em tôi đến mời cụ. Nhiều năm là cộng tác viên cho tạp chí “Xưa và Nay”, nhưng cụ vẫn có ý ngài ngại. Trong cuộc đời của cụ từng “có vết”, kiểu “trong 100 cái đúng của “tổ chức” thì có 1 cái sai, còn trong 100 cái sai của tôi thì có 1 cái đúng. Nhưng đau là cái sai của “tổ chức” lại trùng với cái đúng của tôi”. Cụ bà cũng can ngăn, e sợ… có chuyện không lành(!).

Hội thảo về Cách mạng Tháng Tám
Sát ngày đi, Trần Uy điện thọai rồi email vào, chỉ sợ không có cụ thì giao lưu trực tuyến sẽ thất bại. Cụ vẫn chưa quyết. Phải thuyết phục, cuối cùng cụ nhất trí với điều kiện: tôi phải tháp tùng suốt chuyến đi. Sáng 11/8 bay ra HN. Tình hình sức khỏe cụ tạm ổn. Tới Nội Bài, Trần Uy lên đón và giao kịch bản truyền hình cho cụ. Ông già Uy từng là Tổng biên tập báo QĐND nên rất biết cụ Nghĩa.
Mấy ngày trước, chương trình Thời sự VTV1 luôn giới thiệu về buổi giao lưu. Trần Uy còn nhờ lấy 1 số ảnh chân dung các cụ trong UBKNHN. Sáng 13/8, Hội Sử học tổ chức hội thảo “Cách mạng Tháng Tám và nhân vật lịch sử: Nguyễn Khang trong Tổng khởi nghĩa ở HN” tại Bảo tàng Cách mạng. Tôi đón cụ đến dự. Tại đây, cụ Nghĩa gặp nhiều đồng chí cũ như cụ Mười Hương, Nguyễn Quyết, Chu Huy Mân… Trong hội thảo, cụ có bài phát biểu về vai trò cá nhân đồng chí Nguyễn Khang trong UBQSCM.
Ngay sau hội thảo, tôi đưa cụ về 101 Trần Hưng Đạo, trụ sở của UBQSCM từ ngày 18/8/1945, để VTV1 ghi hình và phỏng vấn.

Giao lưu trực tuyến tối 17/8
Chiều, đưa 2 cô em vào Vạn Phúc, Hà Đông thắp hương cho Già Khương rồi mới tới nhà chú Sự, em ruột cụ Nghĩa, ở Nam Đồng. Xe Land Cruiser của VTV1 đón cụ, còn tôi phóng Matiz theo sau. Bàn tròn giao lưu trực tuyến chỉ có 4 người: Dẫn chương trình Trần Uy cùng 3 vị khách: Dương Trung Quốc (Hội Sử học), Nguyễn Sĩ Dũng (Văn phòng Quốc hội) và nhân chứng lịch sử Lê Trọng Nghĩa. Tôi ngồi ngòai cùng cụ Trần Quang (CCB Hoàng Diệu) và Thanh Lâm. Lần đầu tiên gặp Lâm có nhận xét: chú em thông minh và rất “prồ”.
8g, bắt đầu. Trên bảng trang trí là phông chữ “Giao lưu trực tuyến. 60 năm: Những thông điệp từ quá khứ” và ảnh của những vị lãnh đạo trong UBKNHN… Chi tiết thì mọi người đã xem. Xin chỉ nhắc lại tâm trạng người trong cuộc…
Biết những trăn trở của cụ, biết những lo lắng của gia đình và… sợ nhất lỡ có những bức xúc dồn nén suốt mấy chục năm qua, rồi biết đâu do bột phát không làm chủ được mà sự thật về số phận của cụ được nói ra trên diễn đàn… Tôi căng thẳng lắng nghe từng câu từng chữ mỗi khi có câu hỏi dành cho cụ. Có những lúc tim như thắt lại. Trần Uy bản lĩnh điều khiển chương trình trước những con người đầy kinh nghiệm trong giao lưu trực tuyến là anh Dương Trung Quốc và Nguyễn Sĩ Dũng. Thanh Lâm ngồi bên tôi thỉnh thỏang lại dùng micrôphone gài cổ “nhắc vở”. Còn cụ Nghĩa của chúng ta rất bản lĩnh, nói chính xác các sự kiện và nêu những chính kiến của mình. Phải nói không có điều gì “hở lưng”.
(Riêng anh Dương Trung Quốc có nhắc tới sự liêm khiết, trong sạch, gương mẫu của thế hệ đi trước, và điều này đã chạm lòng tự ái của ai đó. Ngay sau buổi phát hình đã “có ý kiến”?!).
Đúng là giao lưu trực tuyến không chỉ bó hẹp trong phạm vi cả nước, ngay lập tức trên trang Web của VTV1 có hàng nghìn câu hỏi (cả từ nước ngòai) lập tức gửi về: Các nhân vật được đưa ảnh lên phông là ai mà chúng tôi không biết? Ông Nghĩa là ai, có vai trò gì trong Tổng khởi nghĩa ở HN mà bây giờ lại lên làm nhân chứng?... Đại lọai nhiều câu hỏi “hóc”.
Kết thúc, Thanh Lâm mời tất cả ra khách sạn Giảng Võ ăn tối. Việt Trung em tôi cùng Hữu Việt cũng có mặt. Mọi người sôi nổi trao đổi quanh chủ đề giao lưu trực tuyến. Riêng Trần Uy ngay sau đó có “cú điện thọai chấn chỉnh”(?).

Mít-tinh kỷ niệm 19/8
Sáng 18/8, Ban Liên lạc Việt Minh Hòang Diệu mời cụ Nghĩa dự kỷ niệm trọng thể tại Nhà hát Lớn. Đến muộn khi tất cả đã ổn định, thấy cụ vào, ban tổ chức mời lên hàng ghế đầu... Kết thúc, các cụ trong Việt Minh Hoàng Diệu hồ hởi gặp nhau tại sảnh lớn. Cụ Nghĩa gặp lại bà Lê Thi (vợ cụ Hồng Hà, người cùng bà Hoàng Văn Thái kéo cờ trong lễ Tuyên ngôn Độc lập), vợ cụ Hoàng Minh Chính, vợ cụ Bùi Lâm, chị Hương (con cụ Nguyễn Khang)… Họ như sống lại ngày này 60 năm trước.
Vui hơn, khi các CCB gặp nhau, Thiếu tướng Nam Hà vẫy cụ Nguyễn Oanh: “Oanh, Oanh! Lại đây chụp ảnh cùng Lê Trọng Nghĩa!”. Tôi nhanh tay chớp được pô ảnh giá trị.

Xong xuôi công việc, thanh thản vô cùng! Cái lớn hơn - thấy được ở cụ Lê Trọng Nghĩa 1 trí thức cách mạng tài năng, bản lĩnh. Người ta sẽ lớn khi biết sống vì người khác!

Thứ Tư, 2 tháng 7, 2008

Nhân cách 1 con người

Đã từng giới thiệu "Chuyện Tướng Độ" (Võ Bá Cương - NXB QĐND 2007) lên blog Bantroi. Nhưng để xuất bản được cuốn sách không phải việc đơn giản. Tác giả từng vào TpHCM gặp cụ Võ Văn Kiệt và ông đã nêu rõ chính kiến của mình trong 1 bài viết.

Quay lại hơn 5 năm trước, khi Tướng Độ mất, nhiều anh em ta đã trăn trở.
Đúng dịp 5 năm ngày mất của ông, tôi hân hạnh được gia đình tặng cho kỷ niệm vô giá này. Đọc, ta sẽ hiểu hơn nhân cách người cộng sản chân chính - cả người viết và người được viết. Phải biết sống vì lẽ phải!

Xin giới thiệu suy nghĩ của chú Sáu Dân cùng bạn đọc!

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2008

Từ nỗi đau của ông, Võ Văn Kiệt

Cuối năm 2004, khi nhắc đến cuộc chiến tranh đã lùi xa gần ba mươi năm, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Lúc đó, không phải ai cũng chia sẻ với ông suy nghĩ ấy. Bài trả lời phỏng vấn có câu nói này đã phải nằm chờ trong toà soạn báo Quốc Tế hơn bốn tháng. Nhưng, những ai biết những nỗi đau cá nhân mà ông Kiệt từng chịu đựng, mới thấy, đây không chỉ là ý kiến của một nhà chính trị, đây còn là sự sẻ chia rất con người.

Đồng chí Võ Văn Kiệt trong lần triển khai Nghị quyết Trung ương Đảng tại vùng căn cứ U Minh. Ảnh do ông Châu Ngọc Tiếp, nguyên trưởng tiểu ban Điện ảnh miền Tây Nam Bộ cung cấp

Hôm qua, 15.6, ông đã “phục tùng tổ chức” để về yên nghỉ tại nghĩa trang thành phố. Trong thâm tâm, ông muốn tro của mình được rải xuống khúc sông mà hai người con và người vợ yêu quý nhất của ông đã mãi nằm lại đó. Đầu năm 1966, khi người con trai út, Phan Chí Tâm, vừa được sanh ra ít lâu, vợ ông, bà Trần Kim Anh, muốn cho ông biết mặt con, đã bế Tâm và dắt theo cô con gái Phan Thị Ánh Hồng, sinh năm 1958, ra chiến khu thăm chồng. Từ Sài Gòn, bà Tư Cách, một cơ sở của ông dẫn bà Kim Anh đi theo đường sông, lên tới đoạn, bên này là Củ Chi, bên kia là Bến Cát thì chuyến tàu khách của họ bị ném bom. Họ chết mà chưa bao giờ tìm thấy xác.

Đầu năm nay, ông viết, “tôi có cảm giác như vợ và các con đang đợi tôi”. Bác sĩ riêng thời chiến tranh của ông, ông Huỳnh Hoài Nam, kể: “Trong suốt những năm ở trong rừng, ông luôn mang theo một tấm hình và hai bộ đồ của vợ”. Sau ngày 30.4, khi tình hình tạm ổn, ông đã tìm đến khúc sông ấy, đứng nhiều giờ để cố tìm xem, vợ và các con ông đang thực sự yên nghỉ ở đâu. Bác sĩ Nam nói: “Trên đường về, hàng giờ, ông không nói một lời nào cả”.

Sau khi nghe tin mẹ mất, con trai lớn của ông là Võ Dũng, sinh năm 1951, khi ấy đang cùng với em gái, Võ Hiếu Dân, sinh năm 1955, học ở Hà Nội, nằng nặc đòi được vào Nam. Trung ương có điện thoại cho ông. Ông đồng ý. Trong thâm tâm, ông cũng muốn có chút ruột rà máu mủ ở bên mình.

Võ Dũng là một thanh niên ngang bướng, làm lính cơ quan “Khu bộ” thì rất “ngứa chân, ngứa tay”. Dũng nói: “Con đâu phải vào đây để đào hầm cho ba”. Bác sĩ Nam tâm tình: “Dũng, em về đây làm gì?”. Dũng trả lời: “Chiến đấu”. “Em không thấy bọn anh cũng đang chiến đấu sao?”. “Có, nhưng cứ toàn chiến đấu trong xó không à”. Bác sĩ Nam đành phải nói lại với ông Kiệt. Ông đồng ý. Về đơn vị chiến đấu, Võ Dũng nhất quyết đòi phải được bổ vào bộ phận trinh sát. Sáu tháng sau, trong một lần trinh sát một đồn địch nằm trong vùng quê mẹ, Rạch Giá, Võ Dũng hy sinh. Năm ấy, anh chỉ mới vừa tròn 20 tuổi.

Không ai biết được ông đã chịu đựng mất mát ấy như thế nào. Trước ba quân, ông vẫn mạnh mẽ như không có chuyện gì. Nhưng, đêm về, bác sĩ Nam kể, thì nỗi cô độc không thể nào kể xiết. Ông lặng lẽ một mình, kêu bác sĩ Nam, “Cho tao ly chà và”, từ ông dùng để chỉ cà phê đen. Bác sĩ Nam nói: “Tôi đưa cà phê cho ông và biết, lại thêm một đêm ông không ngủ”.

Nhưng, theo bác sĩ Nam, “hình như trời đất vẫn còn ngó tới ông ấy”. Qua năm sau, 1972, Trung ương hội Phụ nữ điện vào báo cho ông là đã tìm được người con trai sinh năm 1952, Phan Thanh Nam. Đây là người con trai mà ông có được trong lần ra Bắc hồi năm 1951. Trở lại miền Nam, ông Võ Văn Kiệt kể: “Tôi nói hết với vợ. Bà ấy nghe, cũng buồn nhưng không trách móc gì. Bà ấy thỉnh thoảng lại nhắc, phải tìm được thằng Nam về”.

Mỗi lần cứ có người ra, ông Võ Văn Kiệt lại nhắn nhờ tìm Phan Thanh Nam. Năm 1972, bà Bảy Huệ, phu nhân của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, người năm 1959 đưa Võ Dũng và Hiếu Dân ra Bắc và chăm sóc, đã tìm được Nam về cho ông. Ngày cha con gặp nhau, ông đang ở một căn cứ gần kênh Biện Nhị, xã Khánh Lân, Cà Mau. Ông đợi con, lâu lâu lại hỏi: “Nó tới đâu rồi?”. Gặp nhau, bác sĩ Nam kể: “Hai cha con ôm nhau nửa tiếng, không nói một lời, rồi cả hai cùng khóc. Chúng tôi, cũng ra phía sau, ngồi khóc”.

Ông Võ Văn Kiệt kể: “Tôi kể cho Nam về vợ tôi. Nó nghe rồi nói, “con nhận mẹ của Hiếu Dân và anh Dũng làm mẹ”. Tôi cũng nói rõ với Hiếu Dân nhưng chủ yếu là để cho hai đứa hiểu nhau một cách tự nhiên. Tôi rất mừng, giờ tụi nó quý nhau lắm”. Sáng 15.6, khi đọc lời cảm tạ của gia đình, con trai ông, Phan Thanh Nam, đã không quên nhắc đến những người đã khuất: “Chúng con xin cám ơn Má, anh Hai và các em, đã vĩnh viễn ra đi trong cuộc chiến tranh, để lại tình thương yêu vô bờ bến”. Tôi đã không ít lần gặp chị Võ Hiếu Dân, người con duy nhất còn lại của bà Trần Kim Anh, hy vọng nghe từ chị những ký ức về mẹ mình. Nhưng, chưa bao câu chuyện có thể tiếp tục. Cho tới tận bây giờ, chị Hiếu Dân vẫn không thể nào cầm được nước mắt mỗi khi nhắc về mẹ.

Gần đây, ông đã có rất nhiều nỗ lực giúp đỡ việc tìm lại hài cốt của những người chết trong thời gian học tập cải tạo; gặp gỡ lãnh đạo hai địa phương, Bình Dương và TP.HCM để bàn về vấn đề nghĩa trang của những người lính Sài Gòn cũ. Mấy năm trước, khi cô cháu ngoại mang về cho ông mấy cuộn phim do người Việt ở nước ngoài làm về những thuyền nhân vượt biên trong những năm sau 1975, ông xem, xúc động và có rất nhiều trăn trở.

Khi ông nói, “yêu nước có thể bằng nhiều con đường”, là ông nói bằng chính từ nỗi đau của mình. Không phải ngẫu nhiên mà ông nhấn mạnh: “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả”.

Từ năm 1995, ông đã kiến nghị: “Trên chặng đường mới này của đất nước, hơn bao giờ hết cần giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ”. Trong buổi làm việc cuối cùng, chiều 23.5, ông nói với tôi về ý định sẽ viết chung một cuốn sách với một người đã từng là quan chức cao cấp trong chế độ Sài Gòn. Ông coi đó như là một biểu tượng của tinh thần hoà giải. Năm 1997, khi vừa nhận chức, trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho tôi, Thủ tướng Phan Văn Khải nói: “Về bản lĩnh chính trị, tôi không thể nào so sánh với đồng chí Võ Văn Kiệt”.

Từng là một nhà lãnh đạo chiến tranh xuất sắc, đúng như lời Thủ tướng Phan Văn Khải, ít ai có thể so sánh bản lĩnh chính trị với ông. Tuy nhiên, bản lĩnh chính trị của Võ Văn Kiệt không phải là những giá trị giáo điều. Chính trị “tối cao” đối với ông là “Dân”. Điều gì có thể đoàn kết mọi người dân Việt Nam. Điều gì có thể nhanh chóng đưa lại cơm no áo ấm cho mọi người Việt Nam là ông chủ trương. Ông Võ Văn Kiệt đề nghị “giương cao ngọn cờ dân tộc” không phải từ một ý tưởng xuất hiện tình cờ. Ông đúc kết điều đó qua sự trải nghiệm bằng máu của chính ông, của những đứa con, của người vợ mà ông vô cùng yêu dấu.

Huy Đức

Thứ Tư, 4 tháng 6, 2008

Thông báo họp Ban LL Trường

Anh Thái Chi nhờ tôi thông báo:

Mời các anh chị trong Ban LL Trường (phía Bắc) ở các khoá và C11 dự họp Ban LL Trường vào 15h ngày Chủ Nhật 8/6/2008 tại 281 Đội Cấn, Hà Nội (nhà hàng Vườn Treo Pacific).
Nội dung bàn về các việc liên quan tới An Mỹ, Đại Từ và sách ảnh kỉ niệm 45 năm Trường NVT, và một vài nội dung thường kì khác.

Các anh chị trong Ban LL các khoá và C11 lưu ý thông báo, cử đại diện của mình đến họp Ban LL Trường đầy đủ.

Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2008

Tư liệu: Bức ảnh Bác Hồ đến thăm Trường Kinh tế Quốc dân

Sáng nay tạt qua thăm anh Ba Hưng, thấy trên tường có bức ảnh Bác Hồ tới thăm Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vào một ngày của tháng 3/1961. Tôi được nghe kể lại...
Sau ngày Giải phóng Thủ đô, cơ quan Chính phủ rồi các nhà trường từ Chiến khu Việt Bắc chuyển dần về Hà Nội. Cụ Phạm Văn Đồng kiêm nhiệm Hiệu trưởng Đại học Nhân dân và ông Đòan Trọng Truyến (cử nhân Canh nông thời Pháp) làm Hiệu phó. Trường về đóng ở khu Đại học Kinh tế bây giờ. (Trước đó đã có Đại học VN (Trường Thuốc), Khu VN Học xá (nay là Bách khoa)... ).
Sau đó, nhà trường đã đổi thành Đại học Kinh tế kế họach và ông Truyến được giao nhiệm vụ Hiệu trưởng. Năm 1961, Bác đến thăm trường. Đến nơi, Bác đi thẳng vào khu nhà ăn và WC kiểm tra. Trong ảnh còn có ông Nhu, 1 cô bác sĩ và ông Truyến (thứ 2 từ bên phải). Bác nhắc nhở rồi giao nhiệm vụ cho nhà trường.
Đến nay bức ảnh đã trải qua gần 50 năm. Thật là 1 tư liệu quý!
Mong các bạn Trỗi nếu có tư liệu như thế của gia đình thì đừng quên gửi cho BBT (kèm bài viết) để làm tư liệu chung! Vì đây không chỉ là vinh dự của gia đình mà còn là của nhà trường chúng ta.

Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2008

Tin động đất


Mấy ngày này trên phương tiện thông tin đại chúng, ta đón nhận thông tin về những tổn thất vô cùng to lớn của nhân dân Trung Quốc anh em sau trận động đất khủng khiếp.


Nay đăng tải 1 vài thông tin mới nhận được từ anh Cao Cẩm Quỳ.
- Tâm chấn.
- Thành phố đổ nát.
- Đau thương.
- Cứu hộ.
- Sự giúp đỡ quốc tế.
- Các vị lãnh đạo nhà nước có mặt chỉ đạo và chia sẻ...


Xin chia buồn cùng bạn bè Quế Lâm và nhân dân Trung Quốc!


(Source: caocamquy.blog.163.cn)

Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2008

Những sĩ quan trưởng thành từ Trường Buởi

Nhân kỷ niệm 100 năm Trường Bưởi (1908-2008), Báo QĐND có bài viết về những học sinh của trường đã trưỏng thành và có nhiều đóng góp cho Tổ quốc. Vui hơn trong số đó có nhiều người là phụ huynh và anh em của Trường Trỗi.
Xin trân trọng giới thiệu!

Thứ Hai, 5 tháng 5, 2008

VÕ ĐẠI TƯỚNG CỨU SỐNG TÁC PHẨM

Chuyện nhân kỷ niệm 60 năm Lễ tấn phong hàm Đại tướng cho bác Võ Nguyên Giáp (5/1948 - 5/2008)

Nhạc sĩ Tô Hải, sau lớp sáng tác đầu tiên của quân đội năm 1958, đã viết hợp xướng 4 chương “Tiếng hát người chiến sĩ biên thuỳ”. Tiết mục được trình diễn trong đêm liên hoan kỷ niệm 15 năm QĐNDVN (22-12-1959).

Sau đó vì sự ấu trĩ trong tư duy mà có ý kiến: Trong chương III “Tiếng gọi của quê hương”:

Chiều chiều dừng chân đỉnh non sườn núi

Ngó trông xa xa tận phía chân trời

Quê hương yêu dấu bao người chờ mong...

là uỷ mị, làm giảm sút ý chí chiến đấu. Trong các chương trình sau đó, tác phẩm chỉ được biểu diễn chương I và IV.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp vốn rất yêu văn nghệ. Ông từng mời thầy về nhà dạy pi-a-nô và rất thích chơi các bản nhạc cổ điển. Đại tướng không bỏ một chương trình biểu diễn lớn nào của Văn công TCCT. Năm 1961, khi chuẩn bị Liên hoan văn nghệ toàn quốc, Đoàn TCCT (do đồng chí Lê Đóa chỉ huy) có đưa tác phẩm vào chương trình. Đêm tổng duyệt, Đại tướng đến dự. Sau khi xem, ông hết sức ngạc nhiên, quay sang hỏi một cán bộ tuyên huấn: “Tôi nhớ tác phẩm này có 4 chương. Sao lại nay chỉ biểu diễn 2 chương?” thì được giải thích như trên. Đại tướng lắc đầu:

- Tình yêu Tổ quốc của người lính được bắt nguồn từ tình cảm gia đình, từ tình làng xóm, từ tình yêu quê hương. Vì vậy không có vấn đề gì về tư tưởng cả.

Rồi ông đồng ý cho dàn dựng cả 4 chương.

Cho đến giờ, nhạc sĩ Tô Hải vẫn trân trọng nhắc lại: “Tướng Giáp chính là người đã cứu sống tác phẩm. Tôi mãi không quên!”.

Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2008

Nghĩa tình thầy trò

Tối qua, thầy Trần Sinh gọi ra từ Cần Thơ: "Báo tin vui với em, thầy cô sắp tổ chức cưới cho cô con gái yêu anh sĩ quan CS113 mà lí lịch bị giam lâu lâu...". Tôi vui mừng trả lời: "Dương Minh và Chí Quang đã báo tin này lên mạng Trỗi. Vậy là cho dù tình yêu của 2 em đầy gian nan vất vả nhưng nay đã chiến thắng. Xin chúc mừng thầy!".
Chuyện thế này... Cách đây dễ đến 4 năm, một lần Chí Quang về Cần Thơ lên lại chơi: "Ông ạ, có việc của thầy...". Con gái sau của thầy là giáo viên ở Vĩnh Long, em yêu 1 chàng sĩ quan CS113. Khi "yêu nhau thì nàm ní nịch" và chàng trai được "tổ chức" lạnh lùng trả lời: Đồng chí không thể cưới được vì "nhà gái có vấn đề". Nếu quyết tâm cưới thì đồng chí phải rời khỏi ngành. Họ cương quyết quá! Quang hỏi tôi xem anh em ta có ai làm bên An ninh, biết đâu có thể giúp...?!!! Lục "bộ nhớ" ra ngay Trần Quốc Việt - Trỗi cùng khóa, hiện làm cán bộ cấp Cục. Tôi trao đổi liền qua điện thọai. Việt nghe cũng giật mình: dù là ngành Công an nhưng bây giờ làm gì có chuyện đó!?
Thầy ta thì lạ gì - đeo lon thượng tá, công tác tại Phòng TDTT quốc phòng Quân khu IX tới khi về hưu. Là dân tập kết, thầy từng học Học viện quân sự Hoa Nam (Quảng Đông, TQ) rồi về dạy Võ tay không, Đâm lê Quyết thắng... cho trường ta ngày còn ở Hưng Hóa. Thầy công tác mãi ở Cục Quân huấn. Cô thì làm nghề y. Lí lịch quá đẹp! Vậy thì lí do gì nữa?
Rồi qua tâm sự của thầy mới hay: "Ba thầy từng làm Đốc học của tỉnh Vĩnh Long trước 1945. Sau ngày cách mạng, cụ làm giáo học 1 thời gian rồi mất ở quê. Vậy ra, họ quan niệm cụ "từng làm việc cho Tây"(!). Chủ nghĩa lí lịch làm người ta khổ vậy đấy. Không biết Quốc Việt hỏi hộ thế nào rồi?". Chúng tôi đã không quá vài lần nghĩ mưu bàn với Việt. Bạn cũng nhiệt tình tìm nhiều cách tác động với tổ chức. Theo hướng dẫn, Chí Quang cũng đi gặp cán bộ của Việt phụ trách phía Nam. Rồi chờ mãi, Việt cũng phải nói: "Đây cũng là 1 nguyên tắc khắt khe với ngành. Thôi bảo thầy chịu khó chờ!".
Thời gian trôi qua, một rồi hai, rồi ba năm... Sự chịu đựng của con người thì có hạn! Lần nào gặp thầy cũng không dám hỏi, sợ gợi lại nỗi đau. Nhiều lúc thương thầy cô thì anh em bàn: hay khuyên thầy bảo em bỏ quách đi cho xong?
Và phải đến tận ngày hôm nay mọi việc mới rõ ràng. Các em đã cận kề hạnh phúc. Thế mới biết con đường đến với bất cứ hạnh phúc nào cũng đầy chông gai và hạnh phúc chỉ đến với những ai dũng cảm, kiên trì và dám đương đầu trước khó khăn.
Xin chúc mừng 2 em và thầy cô!

Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2008

Cái nhìn của lính quân báo về "Kéo pháo" và "Ngày N"

Đã lại tới 7/5 - ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ. Xin lược trích bài “Chuyện góp về “Kéo pháo” và “Ngày N”” của ông Lê Trọng Nghĩa, nguyên Cục trưởng Cục Quân báo Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Trong đó có nhắc lại tên nhiều cha mẹ chúng ta.

… Ngày 6-12-1953, Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị hạ quyết tâm cho tập trung quân chủ lực đánh Điện Biên Phủ, lấy chiến dịch này làm đòn quyết định giành chủ động chiến lược, xoay chuyển cục diện chiến tranh Đông xuân 53-54. Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp được cử làm Chỉ huy trưởng, bí thư Đảng uỷ Mặt trận1 . Ngày 5-1, anh Trần Văn Quang - Cục trưởng Cục Tác chiến và tôi - Cục trưởng Cục Quân báo, được lệnh đi cùng với Võ Tổng ra Sở chỉ huy mặt trận (do các anh Hoàng Văn Thái, Lê Liêm (Bộ Tổng tư lệnh) cùng đ/c Mai Gia Sinh (Tham mưu trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc) và anh Bằng Giang (Tư lệnh quân khu Tây Bắc) đã chuẩn bị trước ở Tuần Giáo). Từ núi rừng bạt ngàn Việt Bắc ra đường cái lớn, tôi bàng hoàng và xúc động trước bao cảnh tượng khác thường: bộ đội hành quân theo xe Mô-lô-tô-va nhập vào lớp lớp dân công, quân dân đông vui, tràn ngập các bìa rừng ven đường... Tôi chợt sáng ra thêm: Ta đang tiến vào một trận đánh lớn “không như trước”, một trận đánh tầm cỡ quốc gia, quốc tế trong thời buổi các cuộc chiến tranh, xung đột đang được quốc tế hóa, cộng đồng hoá ở mức độ cao, ở cả 2 phía địch-ta… mà cán bộ chúng tôi còn thiếu hiểu biết rất nhiều. Vừa háo hức phấn khởi vừa lo lắng nhưng không được lơ là. Hàng ngày tôi vẫn nắm chắc và nhận báo cáo chiến sự ở Trung Lào, đồng thời giữ liên lạc với anh Cao Pha2 ở Lai Châu. Lệnh nghiêm ngặt của anh Văn: Quân báo phải đảm bảo nắm chắc và kịp thời mọi triệu chứng, ý định của địch RÚT hay KHÔNG RÚT khỏi ĐIệN BIÊN PHủ – “tâm điểm chú ý” của bộ thống soái tối cao khi ta đã bắt đầu xuất tướng, ra quân. Suốt đường đi, dưới bom đạn, điện báo hàng giờ của anh Cao Pha khẳng định: Sau khi rút khỏi Lai Châu, quân Pháp đang trụ lại, tổ chức bố phòng ở Điện Biên Phủ! Đ/c Tổng tư lệnh yên tâm và thực sự hài lòng. Tôi phấn chấn thêm…
*
Đến hội nghị chiến dịch ở hang Thẩm Púa ngày 15-1-1954, bản báo cáo về “địch tình và binh địa” của Ban 2 (Quân báo) được đánh giá cao. Anh Cao Pha nắm tập đoàn cứ điểm như trong lòng bàn tay đã trình bày một cách có hệ thống trên sa bàn lớn: Trên tuyến vành đai, hệ thống các cụm cứ điểm mạnh bao quanh cánh đồng Mường Thanh từ bắc sang đông xuống nam, nhưng điểm yếu nhất của địch là vùng bản Hồng Lếch về phía tây rất gần khu trung tâm Mường Thanh, nơi Sở chỉ huy của tướng De Castries (GONO) đóng, binh lực bảo vệ, công sự còn sơ sài… Và điểm chủ chốt nổi bật trong kế hoạch tấn công được Bộ chỉ huy mặt trận phê duyệt là: Quyết định bố trí Đại đoàn Quân tiên phong F308 vào vùng bản Hồng Lếch làm mũi chủ công3 ; đến ngày “N” đột phá mãnh liệt thẳng vào GONO với sự hợp đồng yểm trợ của pháo binh và F312. Như thế chỉ trong 3 đêm 2 ngày đảm bảo sẽ tiêu diệt GONO và sau đó là cả tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tổng tư lệnh cùng Đảng uỷ mặt trận, Trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh và các tướng tá đã hoàn toàn nhất trí với phương án tác chiến do các đ/c Hoàng Văn Thái, Lê Liêm cùng đ/c Mai… dày công xây dựng. Ngày “N” cuối cùng được ấn định vào ngày 25-1-1954! - Một sự nhất trí đáng ghi nhớ. Sau hội nghị, chúng tôi rất phấn khởi và khẩn trương di chuyển Sở chỉ huy tiền phương ra phía trước. Các đơn vị chiến đấu cũng được lệnh sẵn sàng vào chiếm lĩnh trận địa xuất phát. Pháo binh đã lập kì công nhưng còn gặp nhiều khó khăn trong việc kéo vào trận địa. Tham mưu và chính trị tăng cường động viện, kiểm tra.
*
Sở chỉ huy tiền phương chuyển tiếp đến bản Nà Táu. Sáng ngày 20.1, tôi hội ý với anh Quang rồi cùng đến báo cáo anh Văn: Quân Pháp đêm 19, 20.1 đã phát lệnh mở chiến dịch Atlande đánh vào Tuy Hòa (vùng tự do Khu V Trung bộ). Tướng Navarre sau khi biết quân chủ lực F308 đã rời trung du lên đường đi Tây Bắc, cho rằng quân ta sẽ bị kẹt ở vùng rừng núi đó (coi như không còn bị uy hiếp) nên tập trung quân cơ động chiến lược rút từ đồng bằng Bắc bộ tung đòn tiến công chiến lược đánh trước vào vùng tự do Trung bộ theo “Kế hoạch Navarre” đã được tướng O’ Daniel (Trưởng đoàn cố vấn Mỹ MAAG) chấp thuận. Tôi không giấu được vui mừng báo cáo thêm: Pháp sẽ phải tập trung vào chiến dịch Atlande ít nhất 2/3 khối binh đoàn cơ động chiến lược và lực lượng không quân trong vòng từ 1 đến 2 tháng. Trong khi quân chủ lực của ta đã sẵn sàng ra đòn quyết định ở Điện Biên Phủ chỉ trong vòng 1 tuần nữa! Mọi người phấn chấn hẳn lên. Anh Văn ra lệnh: Các anh Hoàng Văn Thái, Lê Liêm, Đỗ Đức Kiên, Cao Pha… tiếp tục ra ngay trận địa trực tiếp đôn đốc kiểm tra. Đặc biệt Tổng tư lệnh không quên đốc cụ Hoàng Đạo Thuý (đại tá Cục trưởng Cục 3) ngày đêm “ôm” tổng đài thông tin, sẵn sàng triển khai “mạng thông tin chiến đấu”, đồng thời một số khẩu đội pháo cuối cùng còn bị chậm phải kịp vào trận địa trước ngày 25. Ngày hôm sau, tôi và cả Ban 2 bấn lên để đối chiếu, chỉnh lí cả đống tin mới nhận được. Mặc dù đã thức suốt đêm, sáng 23.1 tôi cùng anh Quang đến hầm chỉ huy của Tổng tư lệnh. Cố giữ bình tĩnh tôi trình bày mạch lạc: Tin mới nhận được cho thấy địch đã biết tương đối chính xác kế hoạch tấn công của ta vào ngày 25, đã ra lệnh báo động và có kế hoạch đối phó. Theo tin trinh sát kĩ thuật: quân Pháp đã bắt được chiến binh của F308 và F312, khi vào chiếm lĩnh trận địa xuất phát tiến công, đưa về Hà Nội. Và ngay sau đó Bộ chỉ huy Bắc bộ đã ra lệnh: 1, Trong ngày 23 thả 1 tiểu đoàn dù xuống Mường Thanh để chốt giữa Mường Thanh và bản Hồng Lếch (trước mũi F308). 2, Điều binh đoàn cơ động ở Thượng Lào do đại tá Créve Coeur chỉ huy từ Mường Khoa (Lào) cấp tốc hành quân về hướng Điện Biên Phủ để chiều 24 có mặt ở tuyến sau F308. 3, Điều chỉnh các kế hoạch binh, hỏa lực và sẵn sàng chờ lệnh vào “ngày 25”. Anh Văn thoạt nghe có hơi bị sốc, tức khắc ra lệnh kiểm tra. Anh Phạm Kiệt, Cục phó Cục Bảo vệ, đi kiểm tra ngay việc chiến binh F308, F312 mất tích ở trận địa xuất phát tiến công. Tôi lập tức phải ra đài quan sát của C45, D426 trinh sát ở trên núi phía đông sân bay Mường Thanh, tận mắt kiểm tra việc địch đang thả quân dù. Đích thân Tổng tư lệnh đến gặp tổ kĩ thuật để các anh Bách, Tân giải trình một số bản tin “kĩ thuật mã thám”. Sau khi tổng hợp tình hình, tôi bình tĩnh khẳng định những tin tức đã báo cáo với Sở chỉ huy là chính xác và tin cậy. Anh Văn điềm tĩnh hơn lắng nghe và cân nhắc. Tôi biết anh còn nhiều điều phải lo lắng: “hậu cần”, “pháo”… Tôi cũng lo, cảm thấy tình hình thực sự nghiêm trọng nên cố gắng trình bày nhưng thận trọng nhấn thêm (bằng cách nhắc lại) điều mà Quân báo đã tổng kết về cách đối phó mới của địch: tập trung cao độ binh hỏa lực, phi pháo “dập” mũi tiến công ở ngay đột phá khẩu vào giờ “G” ngày “N”4.
- Được rồi! –Anh dứt khoát ngắt lời và ra lệnh tiếp - Không được phép tiết lộ các tin cụ thể trên nếu không được phép!
Tôi hiểu kỉ luật chiến trường cấm không được phát ngôn hay hành động có thể làm dao động quyết tâm của người chỉ huy trước giờ nổ súng! Đảng uỷ mặt trạn được triệu tập gấp. Các anh Thái, Liêm, Đặng Kim Giang từ trận địa trở về chưa nắm ngay được tình hình chung nên rất thận trọng. Không thể không cân nhắc về “cái giá 100% chắc thắng” của trận đánh mà không mất “vốn” xương máu của hàng vạn cán binh lúc đó. Sau cuộc hội ý kéo dài mới thực sự thống nhất: ngày “N” phải hoãn sang ngày 26. Sau cuộc họp, anh Văn cùng đ/c Hoàng Minh Phương đến gặp Trưởng đoàn cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh. Sau này tôi được biết: Đ/c Vi đã hoàn toàn đồng ý với Võ Tổng và sẽ “đả thông cho đoàn cố vấn” về việc phải thay đổi kế hoạch tiến công theo ý kiến của đ/c Võ Nguyên Giáp đề xuất. Đây là một biểu hiện quý giá về sự hợp tác giúp dỡ chân thành và hiệu quả của tình hữu nghị Việt-Trung. Các “đ/c Bạn” vốn có tác phong tuyệt đối phục tùng cấp trên chắc không phải là không có khó khăn khi chấp nhận tại chỗ ý kiến của phía VN đề xuất, trong lúc đó ở Bắc Kinh xa xôi đang trông chờ một sự kiện lớn nổi bật ở biên giới Việt-Trung vì đúng ngày 25-1 sẽ khai mạc ở Berlin (CHDC Đức) Hội nghị các cường quốc về vấn đề Triều Tiên và CHND Trung Hoa lần đầu tiên sẽ tham dự trong vị thế cường quốc lớn. Cho đến trưa ngày 26, lúc 11 giờ (6 tiếng trước giờ nổ súng theo kế hoạch), mệnh lệnh lịch sử đã được phát ra: Hoãn cuộc tiến công, giãn quân và rút pháo về khu tập kết! Anh Thái lệnh cho anh Lê Trọng Tấn và anh Trần Độ (F312) cùng anh Lê Liêm giúp anh Phạm Ngọc Mậu chỉ huy việc rút pháo trong tình huống cực kì nguy hiểm này. Anh Văn trực tiếp qua điện thoại với anh Vương Thừa Vũ: “Lệnh cho F308 cho “một bộ phận lực lượng” quạt ra phía sau đánh vào cánh quân từ Thượng Lào sang để hỗ trợ an toàn cho việc lui quân!”. “Báo cáo rõ. Xin chấp hành ngay lập tức!” - anh Vũ dõng dạc trả lời, mặc dù chưa được phổ biến tin tức địch ở mặt Thượng Lào và cũng chưa biết “một bộ phận” là bao nhiêu.
*
Ngay chiều 26.1, bộ đội tìm cách đánh cánh quân từ Thượng Lào tới. Nhưng vừa tiếp cận chúng đã chạy tán loạn và tan biến vào rừng. Được tin, anh Văn ra lệnh cho anh Vũ đưa cả F308 vượt biên giới tấn công truy kích. Cùng bộ đội Pathet Lào, F308 vừa tìm địch vừa đánh đã thọc một mạch như chẻ tre hơn 200 cây số đường xuyên rừng tới gần thủ đô Luang Prabang và Mường Sại. Trận đánh hỗ trợ đã chuyển thành một đòn đột kích chiến lược lớn dọc sông Nậm U, nhằm vào Kinh đô nước Lào vừa mới được chính phủ Pháp công nhận là một thành viên Khối Liên hiệp Pháp. Cả chiến trường Đông Dương rúng động. Giới lãnh đạo Pháp, Mỹ cùng các giới báo đài các nước ầm ĩ đưa tin: Việt Minh cắt Đông Dương làm đôi (couper en deux), “Congsan” đã tiến đến bờ sông MeKong sát biên giới Thái Lan, sắp tràn vào Đông Nam Á5… Bộ trưởng quốc phòng Pháp Pleven cùng Tổng tham mưu trưởng P. Ely vội bay qua Mỹ rồi sang VN và Lào. Ngoại trưởng Mỹ Dulless và chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ bàn chuyện trực tiếp can thiệp và tăng viện trợ quân sự, thêm phi cơ B26 cho quân đội Pháp… Nhưng trước tình hình quân sự suy sụp, tướng Navarre phải ra lệnh đình chỉ cuộc tiến công Atlande mới mở ở Tuy Hoà, phân tán khối binh đoàn cơ động chiến lược, tổ chức các cầu hàng không mới để lập và cứu giữ các trung tâm đề kháng mới ở Luang Prabang, Mường Sại (Thượng Lào), Savakhet (Trung Lào), tăng cường trở lại cho chiến trường đồng bằng Bắc bộ và Điện Biên Phủ… Pháp chuyển sang thế phải cấp bách đối phó phòng ngự ở nhiều mặt trận, đồng thời tăng cường khả năng chi viện về binh lực và hàng không cho Điện Biên Phủ không chỉ từ các căn cứ ở đồng bằng Bắc bộ mà cả từ phía Luang Prabang. Nhưng khi chỉ còn cách 15-20km, trước Luang Prabang đang hoảng sợ và sơ tán, “Sư đoàn thép 308” nhận được lệnh ngừng truy kích và rút về tập trung ở khu vực quanh Điện Biên Phủ. Trước Tết Nguyên đán đã kết thúc trận tập kích chiến lược hết sức táo bạo. Võ Tổng đã dám tung “con át chủ bài” Đại đoàn quân tiên phong 308 vào một trận đánh lớn không dự kiến trước, không có chuẩn bị đảm bảo hậu cần và tình báo như ở các chiến dịch trước nhưng hoàn toàn bất ngờ đối với đối phương và đã được Bộ Chính trị chấp thuận, khuyến khích. Và nếu như lúc đó F308 vấp phải khó khăn, bị tổn thất thương vong thì hệ quả tai hại đối với chiến dịch chính và cả chiến cuộc Đông xuân sẽ ở mức chưa thể lường hết được.
*
Khi kể lại tình hình ở thời điểm này, lính quân báo cảm thấy tự hào về sự đóng góp của ngành mình trong một đội quân nhân dân đích thực. Anh em kháo nhau:
- Miếng võ mở đầu ngoạn mục của quân ta “KÉO PHÁO RA Ở ĐIỆN BIÊN, THỌC SÂU QUẢ ĐẦM THÉP TỚI KINH ĐÔ LÀO” quả là lợi hại. Nó đã đảm bảo ta thu quân an toàn, đồng thời làm thất bại thảm hại hiệp đầu kế hoạch Navarre muốn giành chủ động tiến công chiến lược trước ta.
- Đó cũng là một chiến tích tuyệt vời của quân tướng VN, cả Bộ chỉ huy và Đảng uỷ mặt trận, đã “dám” quyết định và hành động dũng mãnh, sáng tạo, căn cứ vào thực tiễn chiến trường để tránh cho quân ta rất có thể phải trả một giá bằng xương máu rất lớn ngay trong trận đầu khi mới ra quân.
- Và nghiêm chỉnh thực hiện thành công lời chỉ dẫn quý báu của Bác (khi nghe báo cáo về kế hoạch Navarre, tháng 11-1953): “Khi quân địch hung hăng muốn chủ động giành thắng lợi quân sự, ta buộc chúng phải lâm vào thế bị động. Navarre muốn tập trung quân cơ động chiến lược thì ta có kế hoạch buộc chúng phải phân tán ra mà đánh.”
Tết Giáp Ngọ, thấy tình hình Luang Prabang tạm yên, mặt trận Điện Biên Phủ chưa nổ súng, tướng lĩnh Pháp giở đòn chiến tranh tâm lí cho phát thanh rầm trời, rải truyền đơn trắng rừng “thách tướng Giáp dám đánh vào Điện Biên Phủ thì Việt Minh sẽ bị đập nát”.
- Hãy đợi đấy! –Anh trinh sát trẻ tinh nghịch đang dự liên hoan quân dân vui miệng dỡn với chữ “casser du Viet” rồi hồn nhiên vác cây đàn nhập vào nhảy sạp với chị em người dân tộc cùng đồng bào từ hậu phương lớn lên chúc mừng thắng lợi xuân Giáp Ngọ.
TpHCM, 26-3-2004


1 Đảng uỷ mặt trận gồm anh Văn và các anh Hoàng Văn Thái, Lê Liêm, Đặng Kim Giang.
2 Nguyên Cục phó Cục Quân báo.
3 Theo chiến thuật công kiên nổi tiếng (của Quân giải phóng TQ): “nhất điểm lưỡng diện, mũi nhọn đuôi dài”, tức là vào thời điểm và nơi quân ta tiến công tập trung dày đặc nhất để xung phong vào tung thâm.
4 Như tướng De Lattre de Tassigny đã cho thực hiện ở các trận Vĩnh Yên, Mạo Khê, Chùa Cao năm 1951.
5 Khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc, ở Đông Á, đế quốc Mỹ cho rằng Cộng sản phương Bắc sẽ quay sang phía tây để tràn vào Đông nam Á qua cổ chai Thái Lan.