Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi
Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2008
Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2008
Chuyến hành hương về cội nguồn
Là con của những cựu tù chính trị thời chống Pháp, chúng tôi mong có dịp thăm lại những nơi cha chúng tôi đã sống, chiến đấu và chiến thắng. Vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/2007) chúng tôi đã lên thăm Nhà tù Sơn La và gia đình LS-AHLLVT Lò Văn Giá.
Sơn La – hơn 60 năm trước là nơi “rừng thiêng nước độc”, nợi mà thực dận Pháp đã biến thành địa ngục trần gian để lưu đày, hành hạ, giết dần giết mòn cả thể xác lẫn tinh thần những người chống lại chúng. Giữa núi rừng Tây Bắc điệp trùng, hôm nay mọc lên 1 thị xã, tuy chưa thật rộng lớn, sầm uất nhưng những con đuờng mới mở, những công trình đang xây, cho thấy sẽ là 1 thị xã đẹp và thơ mộng trong tương lai.
Đây là khu di tích Nhà tù Sơn La, nơi cha chúng tôi đã từng bị thực dân Pháp giam giữ. Nhà ngục trên đỉnh đồi đã bị bom Pháp (1944) và bom Mỹ (1968) phá hỏng. Phần tường nhà giam nổi trên mặt đất chỉ còn 30-50cm; nhưng cũng đủ đề hình dung trong khuôn viên 2170m2 ấy đã có 49 phòng giam lớn nhỏ với các hình thù méo mó, dị dạng. Thời gian cao điểm nhất có tới 500 tù chính trị bị giam cầm tại đây. Đã được nghe kể nhiều về Nhà tù Sơn La nhưng khi tận mắt nhìn từng phòng giam và nghe những câu chuyện gắn với nó qua lời cán bộ thuyết minh của Bảo tàng mới thật xúc động.
Nhà tù Sơn La không chỉ nổi danh với chế độ hà khắc, những ngón đòn tra khảo tàn bạo, độc ác của bọn thực dận, là minh chứng sống cho ý chí bất khuất, nghị lực phi thường, niềm tin mãnh liệt của những chiến sĩ cộng sản lớp tiền bối mà hôm nay đây tên tuổi được lưu lại trên các đường phố của thị xã như Tô Hiệu, Trần Huy Liệu… mà còn được biết đến bởi cuộc vượt ngục có 1 không 2 như huyền thoại của 4 chiến sĩ cộng sản Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu. Cuộc vượt ngục, xuyên rừng, lội suối, leo đèo ấy do anh thanh niên dân tộc Thái Lò Văn Giá dũng cảm đưa đường.
Chúng tôi dành nửa thời gian ở Sơn La đến thăm gia đình anh Lò Văn Thiện, con trai AH-LS Lò Văn Giá. Anh Thiện kể lại: Khi bố tôi đưa đường cho các bác ra tới nơi an toàn, khi trở về nhà thì bị Pháp phục bắt và xử bắn ngay. Lúc đó tôi mới 2 tháng tuổi, chị gái tôi (Lò Thị Liêu) khoảng 2 tuổi, nhà còn bà nội già yếu. Gia đình tôi đã từng rất khó khăn nhưng các bác chưa bao giờ quên chúng tôi. Tôi đã từng được Đảng, Nhà nước cho sang Liên-xô học về công tác Đoàn, rồi về làm việc ở Văn phòng Tỉnh uỷ. Nay cả 2 vợ chồng đã nghỉ hưu với lương hưu gần 3 triệu/tháng. Năm đứa con tôi đều được chính quyền chăm lo chu đáo, được tạo điều kiện học các trường phổ thông, trường dạy nghề. Cái khó là ở chỗ bây giờ yêu cầu nhiều tiêu chuẩn mà các cháu khó đáp ứng như vi tính, ngoại ngữ… cho nên chưa tìm được việc làm.
Trong không khí thân tình, anh Thiện chỉ vào ngôi nhà sàn bằng bê-tông kiên cố, khang trang và kể rằng đó là quà tặng của Tỉnh uỷ năm 1989. Gia đình có sửa lại cho đẹp hơn nhưng vẫn giữ dáng dấp bao đời của nhà sàn dân tộc Thái. Anh chị rót rượu mời chúng tôi cùng chúc cho nhau sức khỏe và may mắn.
Lưu luyến chia tay anh chị Thiện và các cháu, trong lòng thầm chúc cho các cháu sớm tìm được việc làm thích hợp.
Tháng 8/2007
Vân Mai - Quảng Nguyên
(BBT: Tháng 7/2007, các bạn k6 Tường Vân, Tuấn Quảng, Thắng “híp” đã du hành lên thăm Sơn La).
Thứ Tư, 23 tháng 7, 2008
Họat động tình nghĩa nhân 27/7
- BLLk6: Nam Điện k6 thông báo anh em k6 TpHCM sẽ đến thăm nhà LS Đặng Bá Linh, Chu Tấn Quang. Còn anh em phía Bắc đã lên kế họach thăm gia đình LS Nguyễn Tiến Quân, Mạnh Minh, Võ Nguyên Trọng.
- BLLk7: Các bạn vừa tìm thêm được gia đình LS Đặng Đình Kỳ, Nguyễn Đức Thảo và có kế họach đến thăm. Đã lên kế họach lên thắp hương cho Thảo trên Thái Nguyên rồi về thăm gia đình ở Hà Đông. Một cánh do Quyết Thắng sẽ thăm LS Lại Xuân Lợi ở Nam Định.
- BLLk1, k3 và k4 đã lên kế họach chưa? Xin được thông báo lên blog.
Các nhóm đi cố gắng ghi lại hình ảnh và post lên blog cho anh em!
Thứ Ba, 22 tháng 7, 2008
Cách mạng Tháng Tám qua hồi ức của một Ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội
Nhớ ngày Tổng khởi nghĩa
Suốt chuyến bay từ TPHCM ra Hà Nội, tuy đã 85 tuổi nhưng ông vẫn hào hứng kể lại những ngày Tổng khởi nghĩa sôi động ở Hà Nội. Chuyện như mới xảy ra ngày hôm qua. Ông còn dí dỏm nói: “Sau ngày cách mạng thành công, có người hỏi chúng tôi: Các ông có xem ngày, chọn giờ hay không mà Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội lại thắng lợi nhanh, gọn đến vậy?”.
… Sau khi thoát ngục Hoả Lò, tháng 5-1945, ông được đ/c Lê Đức Thọ phân công sang Ban cán sự Đảng CSVN bên cạnh Dân chủ Đảng cùng đ/c Vũ Quý. Ban cán sự nhanh chóng nắm các nhân sĩ, trí thức, công chức, sinh viên, học sinh trong Dân chủ Đảng. Họ là những người yêu nước, sẵn sàng ủng hộ Việt Minh.
Đầu tháng 8-1945, hầu hết các đ/c trong Trung ương và Xứ uỷ được triệu tập lên Tân Trào. Riêng 2 uỷ viên Thường vụ Xứ uỷ Bắc kỳ được phân công ở lại: Nguyễn Văn Đệ theo dõi Hà Nội, còn Phạm Văn Phu trực cơ quan Xứ uỷ, theo dõi 10 tỉnh đồng bằng Bắc bộ.
Không khí những ngày này sôi sục. Khi thăm dò anh em công chức Hà Nội, đã có ý kiến: nên khởi nghĩa vào ngày chủ nhật vì ngày đó các công sở đóng cửa, khi lực lượng cách mạng tấn công đánh chiếm thì lực lượng phòng vệ sẽ rất mỏng; mặt khác, anh em công chức ở nhà sẽ là lực lượng bổ sung ngay cho hàng ngũ cách mạng. Còn “giờ hành động” thống nhất ra sao khi không hề có phương tiện thông tin liên lạc trong tay? Lập tức có ý kiến: Đúng 10 giờ sáng, hệ thống còi gắn trên nóc Nhà hát Lớn, ga Hàng Cỏ, Nhà Tiền (nay là Nhà máy In Tiến Bộ) đồng loạt nổi lên. Loa chĩa bốn phương tám hướng, tiếng còi vang xa cả chục cây số, ở các quận huyện ngoại thành cũng nghe được. Như vậy có thể lấy tiếng còi tầm 10 giờ làm hiệu lệnh khởi nghĩa! Hai vấn đề này được báo cáo Xứ uỷ.
Thời kì đó, liên lạc phải thông qua Z.T (giao thông) chạy bộ, cùng lắm là đạp xe chứ không có điện thoại như bây giờ. Như vậy chỉ thị của Trung ương không thể trong ngày một ngày hai đến nơi mà phải mất cả tuần lễ. Mặc dù chưa nhận lệnh Trung ương, nhưng nắm chắc chỉ thị “Nhật-Pháp đánh nhau và hành động của chúng ta” và dựa vào thực tế cách mạng của Hà Nội mà Thường vụ Xứ uỷ Bắc kỳ quyết định thành lập Uỷ ban khởi nghĩa Hà Nội gồm Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ và 4 uỷ viên: Nguyễn Duy Thân, Nguyễn Huy Khôi, Nguyễn Quyết, Lê Ngọc cùng Cố vấn Trần Đình Long .
Thành ủy báo cáo về: Chiều 17-8 sẽ có cuộc mit-tinh của giới công chức ủng hộ “nền độc lập giả hiệu” của chính phủ Trần Trọng Kim, tổ chức ở quảng trường Nhà hát Lớn. Sáng đó, đ/c Đệ chỉ thị dùng lực lượng tự vệ phá mit-tinh, sau đó thì rút lui. Vậy mà buổi chiều, sau khi từ cuộc mit-tinh trở về An toàn khu ở làng Vạn Phúc (Hà Đông), đ/c phấn khởi báo cáo với Thường vụ: “Phải khởi nghĩa ngay. Thời cơ đến rồi!”. Chính cái không khí hừng hực, sục sôi của quần chúng cách mạng đã biến mit-tinh của giới công chức thành cuộc tuần hành, thị uy của quần chúng cách mạng. Quân đội Nhật cùng lính bảo an, cảnh sát không dám phản ứng. Chính thực tế cách mạng đã dạy cho người lãnh đạo phải hành động gấp!
Ngay trong đêm 17-8, Thường vụ Xứ uỷ quyết định chọn ngày chủ nhật 19-8-1945 là ngày Tổng khởi nghĩa.
Ông Nghĩa còn nhắc lại đêm mà Uỷ ban quân sự cách mạng triệu tập hội nghị cán bộ mở rộng ở Dịch Vọng (ngoại thành Hà Nội): “Hai ông Nguyễn Huy Khôi và Nguyễn Quyết chủ trì. Tôi đến chậm nhưng giữa cái không khí ồn ào nghe thấy giọng lanh lảnh của một nữ cán bộ trẻ, xinh xắn, mang dáng dấp của cô gái tỉnh lẻ: “Này, khi nào vào chiếm công đường, bắt bọn cầm đầu thì phải chú ý triệt ngay bọn lính dõng, bảo an. Nếu không chỉ vài phát súng nổ vào sau lưng quần chúng là tan hết…”. Đây là kinh nghiệm xương máu ở một huyện ở Bắc Ninh mà chị đã gặp. Đối với Uỷ ban quân sự cách mạng Hà Nội, đối với những ngưới chưa từng lãnh đạo khởi nghĩa vũ trang thì đây là một lời cảnh báo hết sức quý báu”. (Sau này mới biết đó là bà Phan Thị Sang, em gái đ/c Phan Trọng Tuệ. Ít lâu sau, bà xây dựng gia đình với ông Nguyễn Duy Thân. Đầu năm 1946, ông Nghĩa gặp lại 2 ông bà cùng là đại biểu khóa I của Quốc hội lập hiến).
Ngày 18-8, trụ sở Uỷ ban quân sự cách mạng chuyển vào nội thành, đóng tại số nhà 101 Gambetta (nay là 101 Trần Hưng Đạo).
Và sáng ngày 19-8-1945, đúng 10 giờ, sau hiệu lệnh còi kết thúc, cuộc mit-tinh tại quảng trường Nhà hát Lớn được bắt đầu. Ngay sau đó, hàng chục vạn quần chúng cách mạng chia làm 2 hướng, tấn công vào Phủ Khâm sai - cơ quan đầu não của chính quyền cũ và Trại Bảo an binh - nơi tập trung lực lượng quân sự mạnh nhất. Tại các quận, huyện ngoại thành, cũng sau “hiệu lệnh 10 giờ”, nhất loạt đánh chiếm các trung tâm hành chính.
Hà Nội đã biết vận dụng sáng tạo chỉ thị của Trung ương, dùng áp lực của quần chúng cách mạng có hỗ trợ của tự vệ vũ trang, kết hợp với đấu tranh chính trị, thương thuyết giành chính quyền về tay. Đến chiều 19-8, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội đã thành công rực rỡ.
Tối 19-8, sau khi ông Lê Trọng Nghĩa cùng “ông cố vấn” Trần Đình Long đi gặp và thuyết phục Toàn quyền Nhật ở Đông Dương chấp nhận chính quyền nhân dân. Khi trở về, đã 12 giờ đêm. Đèn trong trụ sở vẫn sáng trưng. Thường vụ Xứ uỷ họp ra quyết nghị thành lập ngay và ra mắt chính quyền mới vào sớm hôm sau.
Những cái tên mới
“Chúng tôi nhận thức: ngày 19-8 là ngày khai sinh một đất nước hoàn toàn độc lập, không còn áp bức, không còn nô lệ, người dân được làm chủ, hoàn toàn tự do. Vậy thì mỗi công dân mới cần có những thay đổi! - Ông Nghĩa kể tiếp - Chúng tôi đã chọn cho mình cái tên mới: anh Nguyễn Văn Đệ chọn tên là Nguyễn Khang, anh Nguyễn Huy Khôi đổi là Trần Quang Huy… Tên tôi là Đoàn Xuân Tín và thường dùng danh “giáo sư Lê Ngọc” khi đi gặp cụ Phan Kế Toại và Thủ tướng Trần Trọng Kim, nay chọn tên Lê Trọng Nghĩa. Lê Trọng là tên của người thầy giáo đầu tiên của tôi (em ruột bác sĩ Lê Văn Cơ, Giám đốc bệnh viện Quảng Yên, sau này theo Việt Minh), thầy có tư tưởng tiến bộ, dân chủ và yêu nước nên có ảnh hưởng lớn đến nhận thức của học sinh chúng tôi. Còn Nghĩa với ý là khởi nghĩa!”.
Ngay hôm sau, tại vườn hoa Con Cóc trước Dinh Khâm sai cũ, chính quyền cách mạng lâm thời ra mắt quốc dân, đồng bào. Đ/c Nguyễn Khang là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng Bắc bộ, Nguyễn Duy Thân phụ trách các cơ quan hành chính, Lê Trọng Nghĩa phụ trách đối ngoại. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cách mạng Hà Nội là đ/c Trần Quang Huy, uỷ viên là Phạm Tuấn Khánh...
Giới nhân sĩ, trí thức Hà Nội hết sức ngạc nhiên khi báo giới đăng tải tên tuổi của các vị lãnh đạo chính quyền mới. Họ đang chờ đợi những nhà lãnh đạo có tên tuổi như Dương Đức Hiền, Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu… mà nay là những cái tên rất lạ! Thậm chí, Bác sĩ Trần Duy Hưng còn hỏi: “Vậy lãnh tụ của các anh là ai?”. Thật thú vị! (Thực tế lúc đó, Bác và Trung ương chưa kịp về đến Hà Nội).
Chuyện của 60 năm sau
Sáng ngày 18-8-2005, Thành uỷ và UBND TP Hà Nội tổ chức mít-tinh trọng thể tại Nhà hát Lớn, kỷ niệm 60 năm Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội. Ông Lê Trọng Nghĩa là một trong những vị khách mời đặc biệt. Được gặp lại những đồng chí cũ của những ngày này năm xưa, ông bùi ngùi nhắc tới những đồng đội đã ra đi. Lúc chia tay những người đồng đội già, tôi còn nghe thấy cái giọng tâm đắc của ông: “Có lẽ việc lựa chọn ngày, giờ khởi nghĩa do hợp với lòng dân mà chỉ trong đúng có một ngày, nhân dân Hà Nội đã đứng lên, giành chính quyền về tay, không phải nổ một phát súng, không bị tổn thất đổ máu!
Sau này nhìn nhận lại, giá chỉ chậm thời điểm Tổng khởi nghĩa lại nửa ngày thì không hiểu lịch sử sẽ diễn biến ra sao! Sáng hôm sau, 20-8-1945, lực lượng vũ trang của ta trên Thái Nguyên đã tấn công vào đơn vị đồn trú của Nhật. Vậy mà trước đó chỉ mấy tiếng đồng hồ, tướng Tsuchihashi - Tổng tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật - đã xác định thái độ “không can thiệp vào công việc của người Việt”, mặc nhiên thừa nhận nhà chức trách đương quyền tại Bắc bộ phủ. Coi như một việc đã rồi…
Ngày 19-8-1945 mở đầu một kỷ nguyên mới của nước Việt Nam độc lập, của một dân tộc được làm chủ chính mình và hoàn toàn tự do! Đúng như Lênin đã dạy “Cách mạng là sáng tạo!” và chính nhân dân Hà Nội đã dạy cho chúng tôi, những người lãnh đạo khởi nghĩa, biết phải làm gì!... Còn ngày nay, công cuộc đổi mới sẽ thắng lợi nếu chúng ta biết dựa vào dân!”.
Thứ Ba, 15 tháng 7, 2008
60 năm Cách mạng Tháng Tám, theo chân 1 nhân chứng lịch sử
Lần vào SG, anh Dương Trung Quốc trao đổi với anh em tôi về ý định tổ chức giao lưu truyền hình trực tuyến “60 năm: Những thông điệp từ quá khứ” vào dịp kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám. Cái khó là trong chương trình phải thu xếp đón được cụ Lê Trọng Nghĩa, Ủy viên UBKNHN, 1 nhân chứng lịch sử, ra dự. (Tôi rất hiểu tâm tư và nguyện vọng của những người làm chương trình).
Vì ông già là 1 trong những người tham gia UBKNHN nên tôi tìm đọc các tư liệu rồi đi gặp gia đình các vị lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ngày ấy. Hầu hết các vị trong UBKNHN đã mất (Nguyễn Khang, Trần Quang Huy, Nguyễn Duy Thân, Trần Đình Long, Trần Tử Bình), tới hôm nay còn lại 2 cụ: Lê Trọng Nghĩa và Nguyễn Quyết.
Gặp cụ Nghĩa mới thấy tuy đã ngòai 80 nhưng rất bản lĩnh (cho dù chịu nhiều “va đập” của cuộc đời), rất tỉnh táo và có trí nhớ tuyệt vời (nhất là những con người và sự kiện Tổng khởi nghĩa ở HN). Từng có nhiều bài viết về cụ; lần này, tôi lĩnh trọng trách đón cụ. Ngày ấy, cụ sống trong TpHCM cùng vợ chồng Trọng Thắng. Anh em tôi đến mời cụ. Nhiều năm là cộng tác viên cho tạp chí “Xưa và Nay”, nhưng cụ vẫn có ý ngài ngại. Trong cuộc đời của cụ từng “có vết”, kiểu “trong 100 cái đúng của “tổ chức” thì có 1 cái sai, còn trong 100 cái sai của tôi thì có 1 cái đúng. Nhưng đau là cái sai của “tổ chức” lại trùng với cái đúng của tôi”. Cụ bà cũng can ngăn, e sợ… có chuyện không lành(!).
Hội thảo về Cách mạng Tháng Tám
Sát ngày đi, Trần Uy điện thọai rồi email vào, chỉ sợ không có cụ thì giao lưu trực tuyến sẽ thất bại. Cụ vẫn chưa quyết. Phải thuyết phục, cuối cùng cụ nhất trí với điều kiện: tôi phải tháp tùng suốt chuyến đi. Sáng 11/8 bay ra HN. Tình hình sức khỏe cụ tạm ổn. Tới Nội Bài, Trần Uy lên đón và giao kịch bản truyền hình cho cụ. Ông già Uy từng là Tổng biên tập báo QĐND nên rất biết cụ Nghĩa.
Mấy ngày trước, chương trình Thời sự VTV1 luôn giới thiệu về buổi giao lưu. Trần Uy còn nhờ lấy 1 số ảnh chân dung các cụ trong UBKNHN. Sáng 13/8, Hội Sử học tổ chức hội thảo “Cách mạng Tháng Tám và nhân vật lịch sử: Nguyễn Khang trong Tổng khởi nghĩa ở HN” tại Bảo tàng Cách mạng. Tôi đón cụ đến dự. Tại đây, cụ Nghĩa gặp nhiều đồng chí cũ như cụ Mười Hương, Nguyễn Quyết, Chu Huy Mân… Trong hội thảo, cụ có bài phát biểu về vai trò cá nhân đồng chí Nguyễn Khang trong UBQSCM.
Ngay sau hội thảo, tôi đưa cụ về 101 Trần Hưng Đạo, trụ sở của UBQSCM từ ngày 18/8/1945, để VTV1 ghi hình và phỏng vấn.
Giao lưu trực tuyến tối 17/8
Chiều, đưa 2 cô em vào Vạn Phúc, Hà Đông thắp hương cho Già Khương rồi mới tới nhà chú Sự, em ruột cụ Nghĩa, ở Nam Đồng. Xe Land Cruiser của VTV1 đón cụ, còn tôi phóng Matiz theo sau. Bàn tròn giao lưu trực tuyến chỉ có 4 người: Dẫn chương trình Trần Uy cùng 3 vị khách: Dương Trung Quốc (Hội Sử học), Nguyễn Sĩ Dũng (Văn phòng Quốc hội) và nhân chứng lịch sử Lê Trọng Nghĩa. Tôi ngồi ngòai cùng cụ Trần Quang (CCB Hoàng Diệu) và Thanh Lâm. Lần đầu tiên gặp Lâm có nhận xét: chú em thông minh và rất “prồ”.
8g, bắt đầu. Trên bảng trang trí là phông chữ “Giao lưu trực tuyến. 60 năm: Những thông điệp từ quá khứ” và ảnh của những vị lãnh đạo trong UBKNHN… Chi tiết thì mọi người đã xem. Xin chỉ nhắc lại tâm trạng người trong cuộc…
Biết những trăn trở của cụ, biết những lo lắng của gia đình và… sợ nhất lỡ có những bức xúc dồn nén suốt mấy chục năm qua, rồi biết đâu do bột phát không làm chủ được mà sự thật về số phận của cụ được nói ra trên diễn đàn… Tôi căng thẳng lắng nghe từng câu từng chữ mỗi khi có câu hỏi dành cho cụ. Có những lúc tim như thắt lại. Trần Uy bản lĩnh điều khiển chương trình trước những con người đầy kinh nghiệm trong giao lưu trực tuyến là anh Dương Trung Quốc và Nguyễn Sĩ Dũng. Thanh Lâm ngồi bên tôi thỉnh thỏang lại dùng micrôphone gài cổ “nhắc vở”. Còn cụ Nghĩa của chúng ta rất bản lĩnh, nói chính xác các sự kiện và nêu những chính kiến của mình. Phải nói không có điều gì “hở lưng”.
(Riêng anh Dương Trung Quốc có nhắc tới sự liêm khiết, trong sạch, gương mẫu của thế hệ đi trước, và điều này đã chạm lòng tự ái của ai đó. Ngay sau buổi phát hình đã “có ý kiến”?!).
Đúng là giao lưu trực tuyến không chỉ bó hẹp trong phạm vi cả nước, ngay lập tức trên trang Web của VTV1 có hàng nghìn câu hỏi (cả từ nước ngòai) lập tức gửi về: Các nhân vật được đưa ảnh lên phông là ai mà chúng tôi không biết? Ông Nghĩa là ai, có vai trò gì trong Tổng khởi nghĩa ở HN mà bây giờ lại lên làm nhân chứng?... Đại lọai nhiều câu hỏi “hóc”.
Kết thúc, Thanh Lâm mời tất cả ra khách sạn Giảng Võ ăn tối. Việt Trung em tôi cùng Hữu Việt cũng có mặt. Mọi người sôi nổi trao đổi quanh chủ đề giao lưu trực tuyến. Riêng Trần Uy ngay sau đó có “cú điện thọai chấn chỉnh”(?).
Mít-tinh kỷ niệm 19/8
Sáng 18/8, Ban Liên lạc Việt Minh Hòang Diệu mời cụ Nghĩa dự kỷ niệm trọng thể tại Nhà hát Lớn. Đến muộn khi tất cả đã ổn định, thấy cụ vào, ban tổ chức mời lên hàng ghế đầu... Kết thúc, các cụ trong Việt Minh Hoàng Diệu hồ hởi gặp nhau tại sảnh lớn. Cụ Nghĩa gặp lại bà Lê Thi (vợ cụ Hồng Hà, người cùng bà Hoàng Văn Thái kéo cờ trong lễ Tuyên ngôn Độc lập), vợ cụ Hoàng Minh Chính, vợ cụ Bùi Lâm, chị Hương (con cụ Nguyễn Khang)… Họ như sống lại ngày này 60 năm trước.
Vui hơn, khi các CCB gặp nhau, Thiếu tướng Nam Hà vẫy cụ Nguyễn Oanh: “Oanh, Oanh! Lại đây chụp ảnh cùng Lê Trọng Nghĩa!”. Tôi nhanh tay chớp được pô ảnh giá trị.
Xong xuôi công việc, thanh thản vô cùng! Cái lớn hơn - thấy được ở cụ Lê Trọng Nghĩa 1 trí thức cách mạng tài năng, bản lĩnh. Người ta sẽ lớn khi biết sống vì người khác!
Thứ Tư, 2 tháng 7, 2008
Nhân cách 1 con người
Quay lại hơn 5 năm trước, khi Tướng Độ mất, nhiều anh em ta đã trăn trở.
Đúng dịp 5 năm ngày mất của ông, tôi hân hạnh được gia đình tặng cho kỷ niệm vô giá này. Đọc, ta sẽ hiểu hơn nhân cách người cộng sản chân chính - cả người viết và người được viết. Phải biết sống vì lẽ phải!
Xin giới thiệu suy nghĩ của chú Sáu Dân cùng bạn đọc!