Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2008

Tư liệu: Bức ảnh Bác Hồ đến thăm Trường Kinh tế Quốc dân

Sáng nay tạt qua thăm anh Ba Hưng, thấy trên tường có bức ảnh Bác Hồ tới thăm Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vào một ngày của tháng 3/1961. Tôi được nghe kể lại...
Sau ngày Giải phóng Thủ đô, cơ quan Chính phủ rồi các nhà trường từ Chiến khu Việt Bắc chuyển dần về Hà Nội. Cụ Phạm Văn Đồng kiêm nhiệm Hiệu trưởng Đại học Nhân dân và ông Đòan Trọng Truyến (cử nhân Canh nông thời Pháp) làm Hiệu phó. Trường về đóng ở khu Đại học Kinh tế bây giờ. (Trước đó đã có Đại học VN (Trường Thuốc), Khu VN Học xá (nay là Bách khoa)... ).
Sau đó, nhà trường đã đổi thành Đại học Kinh tế kế họach và ông Truyến được giao nhiệm vụ Hiệu trưởng. Năm 1961, Bác đến thăm trường. Đến nơi, Bác đi thẳng vào khu nhà ăn và WC kiểm tra. Trong ảnh còn có ông Nhu, 1 cô bác sĩ và ông Truyến (thứ 2 từ bên phải). Bác nhắc nhở rồi giao nhiệm vụ cho nhà trường.
Đến nay bức ảnh đã trải qua gần 50 năm. Thật là 1 tư liệu quý!
Mong các bạn Trỗi nếu có tư liệu như thế của gia đình thì đừng quên gửi cho BBT (kèm bài viết) để làm tư liệu chung! Vì đây không chỉ là vinh dự của gia đình mà còn là của nhà trường chúng ta.

Thứ Sáu, 16 tháng 5, 2008

Tin động đất


Mấy ngày này trên phương tiện thông tin đại chúng, ta đón nhận thông tin về những tổn thất vô cùng to lớn của nhân dân Trung Quốc anh em sau trận động đất khủng khiếp.


Nay đăng tải 1 vài thông tin mới nhận được từ anh Cao Cẩm Quỳ.
- Tâm chấn.
- Thành phố đổ nát.
- Đau thương.
- Cứu hộ.
- Sự giúp đỡ quốc tế.
- Các vị lãnh đạo nhà nước có mặt chỉ đạo và chia sẻ...


Xin chia buồn cùng bạn bè Quế Lâm và nhân dân Trung Quốc!


(Source: caocamquy.blog.163.cn)

Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2008

Những sĩ quan trưởng thành từ Trường Buởi

Nhân kỷ niệm 100 năm Trường Bưởi (1908-2008), Báo QĐND có bài viết về những học sinh của trường đã trưỏng thành và có nhiều đóng góp cho Tổ quốc. Vui hơn trong số đó có nhiều người là phụ huynh và anh em của Trường Trỗi.
Xin trân trọng giới thiệu!

Thứ Hai, 5 tháng 5, 2008

VÕ ĐẠI TƯỚNG CỨU SỐNG TÁC PHẨM

Chuyện nhân kỷ niệm 60 năm Lễ tấn phong hàm Đại tướng cho bác Võ Nguyên Giáp (5/1948 - 5/2008)

Nhạc sĩ Tô Hải, sau lớp sáng tác đầu tiên của quân đội năm 1958, đã viết hợp xướng 4 chương “Tiếng hát người chiến sĩ biên thuỳ”. Tiết mục được trình diễn trong đêm liên hoan kỷ niệm 15 năm QĐNDVN (22-12-1959).

Sau đó vì sự ấu trĩ trong tư duy mà có ý kiến: Trong chương III “Tiếng gọi của quê hương”:

Chiều chiều dừng chân đỉnh non sườn núi

Ngó trông xa xa tận phía chân trời

Quê hương yêu dấu bao người chờ mong...

là uỷ mị, làm giảm sút ý chí chiến đấu. Trong các chương trình sau đó, tác phẩm chỉ được biểu diễn chương I và IV.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp vốn rất yêu văn nghệ. Ông từng mời thầy về nhà dạy pi-a-nô và rất thích chơi các bản nhạc cổ điển. Đại tướng không bỏ một chương trình biểu diễn lớn nào của Văn công TCCT. Năm 1961, khi chuẩn bị Liên hoan văn nghệ toàn quốc, Đoàn TCCT (do đồng chí Lê Đóa chỉ huy) có đưa tác phẩm vào chương trình. Đêm tổng duyệt, Đại tướng đến dự. Sau khi xem, ông hết sức ngạc nhiên, quay sang hỏi một cán bộ tuyên huấn: “Tôi nhớ tác phẩm này có 4 chương. Sao lại nay chỉ biểu diễn 2 chương?” thì được giải thích như trên. Đại tướng lắc đầu:

- Tình yêu Tổ quốc của người lính được bắt nguồn từ tình cảm gia đình, từ tình làng xóm, từ tình yêu quê hương. Vì vậy không có vấn đề gì về tư tưởng cả.

Rồi ông đồng ý cho dàn dựng cả 4 chương.

Cho đến giờ, nhạc sĩ Tô Hải vẫn trân trọng nhắc lại: “Tướng Giáp chính là người đã cứu sống tác phẩm. Tôi mãi không quên!”.

Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2008

Nghĩa tình thầy trò

Tối qua, thầy Trần Sinh gọi ra từ Cần Thơ: "Báo tin vui với em, thầy cô sắp tổ chức cưới cho cô con gái yêu anh sĩ quan CS113 mà lí lịch bị giam lâu lâu...". Tôi vui mừng trả lời: "Dương Minh và Chí Quang đã báo tin này lên mạng Trỗi. Vậy là cho dù tình yêu của 2 em đầy gian nan vất vả nhưng nay đã chiến thắng. Xin chúc mừng thầy!".
Chuyện thế này... Cách đây dễ đến 4 năm, một lần Chí Quang về Cần Thơ lên lại chơi: "Ông ạ, có việc của thầy...". Con gái sau của thầy là giáo viên ở Vĩnh Long, em yêu 1 chàng sĩ quan CS113. Khi "yêu nhau thì nàm ní nịch" và chàng trai được "tổ chức" lạnh lùng trả lời: Đồng chí không thể cưới được vì "nhà gái có vấn đề". Nếu quyết tâm cưới thì đồng chí phải rời khỏi ngành. Họ cương quyết quá! Quang hỏi tôi xem anh em ta có ai làm bên An ninh, biết đâu có thể giúp...?!!! Lục "bộ nhớ" ra ngay Trần Quốc Việt - Trỗi cùng khóa, hiện làm cán bộ cấp Cục. Tôi trao đổi liền qua điện thọai. Việt nghe cũng giật mình: dù là ngành Công an nhưng bây giờ làm gì có chuyện đó!?
Thầy ta thì lạ gì - đeo lon thượng tá, công tác tại Phòng TDTT quốc phòng Quân khu IX tới khi về hưu. Là dân tập kết, thầy từng học Học viện quân sự Hoa Nam (Quảng Đông, TQ) rồi về dạy Võ tay không, Đâm lê Quyết thắng... cho trường ta ngày còn ở Hưng Hóa. Thầy công tác mãi ở Cục Quân huấn. Cô thì làm nghề y. Lí lịch quá đẹp! Vậy thì lí do gì nữa?
Rồi qua tâm sự của thầy mới hay: "Ba thầy từng làm Đốc học của tỉnh Vĩnh Long trước 1945. Sau ngày cách mạng, cụ làm giáo học 1 thời gian rồi mất ở quê. Vậy ra, họ quan niệm cụ "từng làm việc cho Tây"(!). Chủ nghĩa lí lịch làm người ta khổ vậy đấy. Không biết Quốc Việt hỏi hộ thế nào rồi?". Chúng tôi đã không quá vài lần nghĩ mưu bàn với Việt. Bạn cũng nhiệt tình tìm nhiều cách tác động với tổ chức. Theo hướng dẫn, Chí Quang cũng đi gặp cán bộ của Việt phụ trách phía Nam. Rồi chờ mãi, Việt cũng phải nói: "Đây cũng là 1 nguyên tắc khắt khe với ngành. Thôi bảo thầy chịu khó chờ!".
Thời gian trôi qua, một rồi hai, rồi ba năm... Sự chịu đựng của con người thì có hạn! Lần nào gặp thầy cũng không dám hỏi, sợ gợi lại nỗi đau. Nhiều lúc thương thầy cô thì anh em bàn: hay khuyên thầy bảo em bỏ quách đi cho xong?
Và phải đến tận ngày hôm nay mọi việc mới rõ ràng. Các em đã cận kề hạnh phúc. Thế mới biết con đường đến với bất cứ hạnh phúc nào cũng đầy chông gai và hạnh phúc chỉ đến với những ai dũng cảm, kiên trì và dám đương đầu trước khó khăn.
Xin chúc mừng 2 em và thầy cô!

Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2008

Cái nhìn của lính quân báo về "Kéo pháo" và "Ngày N"

Đã lại tới 7/5 - ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ. Xin lược trích bài “Chuyện góp về “Kéo pháo” và “Ngày N”” của ông Lê Trọng Nghĩa, nguyên Cục trưởng Cục Quân báo Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Trong đó có nhắc lại tên nhiều cha mẹ chúng ta.

… Ngày 6-12-1953, Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị hạ quyết tâm cho tập trung quân chủ lực đánh Điện Biên Phủ, lấy chiến dịch này làm đòn quyết định giành chủ động chiến lược, xoay chuyển cục diện chiến tranh Đông xuân 53-54. Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp được cử làm Chỉ huy trưởng, bí thư Đảng uỷ Mặt trận1 . Ngày 5-1, anh Trần Văn Quang - Cục trưởng Cục Tác chiến và tôi - Cục trưởng Cục Quân báo, được lệnh đi cùng với Võ Tổng ra Sở chỉ huy mặt trận (do các anh Hoàng Văn Thái, Lê Liêm (Bộ Tổng tư lệnh) cùng đ/c Mai Gia Sinh (Tham mưu trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc) và anh Bằng Giang (Tư lệnh quân khu Tây Bắc) đã chuẩn bị trước ở Tuần Giáo). Từ núi rừng bạt ngàn Việt Bắc ra đường cái lớn, tôi bàng hoàng và xúc động trước bao cảnh tượng khác thường: bộ đội hành quân theo xe Mô-lô-tô-va nhập vào lớp lớp dân công, quân dân đông vui, tràn ngập các bìa rừng ven đường... Tôi chợt sáng ra thêm: Ta đang tiến vào một trận đánh lớn “không như trước”, một trận đánh tầm cỡ quốc gia, quốc tế trong thời buổi các cuộc chiến tranh, xung đột đang được quốc tế hóa, cộng đồng hoá ở mức độ cao, ở cả 2 phía địch-ta… mà cán bộ chúng tôi còn thiếu hiểu biết rất nhiều. Vừa háo hức phấn khởi vừa lo lắng nhưng không được lơ là. Hàng ngày tôi vẫn nắm chắc và nhận báo cáo chiến sự ở Trung Lào, đồng thời giữ liên lạc với anh Cao Pha2 ở Lai Châu. Lệnh nghiêm ngặt của anh Văn: Quân báo phải đảm bảo nắm chắc và kịp thời mọi triệu chứng, ý định của địch RÚT hay KHÔNG RÚT khỏi ĐIệN BIÊN PHủ – “tâm điểm chú ý” của bộ thống soái tối cao khi ta đã bắt đầu xuất tướng, ra quân. Suốt đường đi, dưới bom đạn, điện báo hàng giờ của anh Cao Pha khẳng định: Sau khi rút khỏi Lai Châu, quân Pháp đang trụ lại, tổ chức bố phòng ở Điện Biên Phủ! Đ/c Tổng tư lệnh yên tâm và thực sự hài lòng. Tôi phấn chấn thêm…
*
Đến hội nghị chiến dịch ở hang Thẩm Púa ngày 15-1-1954, bản báo cáo về “địch tình và binh địa” của Ban 2 (Quân báo) được đánh giá cao. Anh Cao Pha nắm tập đoàn cứ điểm như trong lòng bàn tay đã trình bày một cách có hệ thống trên sa bàn lớn: Trên tuyến vành đai, hệ thống các cụm cứ điểm mạnh bao quanh cánh đồng Mường Thanh từ bắc sang đông xuống nam, nhưng điểm yếu nhất của địch là vùng bản Hồng Lếch về phía tây rất gần khu trung tâm Mường Thanh, nơi Sở chỉ huy của tướng De Castries (GONO) đóng, binh lực bảo vệ, công sự còn sơ sài… Và điểm chủ chốt nổi bật trong kế hoạch tấn công được Bộ chỉ huy mặt trận phê duyệt là: Quyết định bố trí Đại đoàn Quân tiên phong F308 vào vùng bản Hồng Lếch làm mũi chủ công3 ; đến ngày “N” đột phá mãnh liệt thẳng vào GONO với sự hợp đồng yểm trợ của pháo binh và F312. Như thế chỉ trong 3 đêm 2 ngày đảm bảo sẽ tiêu diệt GONO và sau đó là cả tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tổng tư lệnh cùng Đảng uỷ mặt trận, Trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh và các tướng tá đã hoàn toàn nhất trí với phương án tác chiến do các đ/c Hoàng Văn Thái, Lê Liêm cùng đ/c Mai… dày công xây dựng. Ngày “N” cuối cùng được ấn định vào ngày 25-1-1954! - Một sự nhất trí đáng ghi nhớ. Sau hội nghị, chúng tôi rất phấn khởi và khẩn trương di chuyển Sở chỉ huy tiền phương ra phía trước. Các đơn vị chiến đấu cũng được lệnh sẵn sàng vào chiếm lĩnh trận địa xuất phát. Pháo binh đã lập kì công nhưng còn gặp nhiều khó khăn trong việc kéo vào trận địa. Tham mưu và chính trị tăng cường động viện, kiểm tra.
*
Sở chỉ huy tiền phương chuyển tiếp đến bản Nà Táu. Sáng ngày 20.1, tôi hội ý với anh Quang rồi cùng đến báo cáo anh Văn: Quân Pháp đêm 19, 20.1 đã phát lệnh mở chiến dịch Atlande đánh vào Tuy Hòa (vùng tự do Khu V Trung bộ). Tướng Navarre sau khi biết quân chủ lực F308 đã rời trung du lên đường đi Tây Bắc, cho rằng quân ta sẽ bị kẹt ở vùng rừng núi đó (coi như không còn bị uy hiếp) nên tập trung quân cơ động chiến lược rút từ đồng bằng Bắc bộ tung đòn tiến công chiến lược đánh trước vào vùng tự do Trung bộ theo “Kế hoạch Navarre” đã được tướng O’ Daniel (Trưởng đoàn cố vấn Mỹ MAAG) chấp thuận. Tôi không giấu được vui mừng báo cáo thêm: Pháp sẽ phải tập trung vào chiến dịch Atlande ít nhất 2/3 khối binh đoàn cơ động chiến lược và lực lượng không quân trong vòng từ 1 đến 2 tháng. Trong khi quân chủ lực của ta đã sẵn sàng ra đòn quyết định ở Điện Biên Phủ chỉ trong vòng 1 tuần nữa! Mọi người phấn chấn hẳn lên. Anh Văn ra lệnh: Các anh Hoàng Văn Thái, Lê Liêm, Đỗ Đức Kiên, Cao Pha… tiếp tục ra ngay trận địa trực tiếp đôn đốc kiểm tra. Đặc biệt Tổng tư lệnh không quên đốc cụ Hoàng Đạo Thuý (đại tá Cục trưởng Cục 3) ngày đêm “ôm” tổng đài thông tin, sẵn sàng triển khai “mạng thông tin chiến đấu”, đồng thời một số khẩu đội pháo cuối cùng còn bị chậm phải kịp vào trận địa trước ngày 25. Ngày hôm sau, tôi và cả Ban 2 bấn lên để đối chiếu, chỉnh lí cả đống tin mới nhận được. Mặc dù đã thức suốt đêm, sáng 23.1 tôi cùng anh Quang đến hầm chỉ huy của Tổng tư lệnh. Cố giữ bình tĩnh tôi trình bày mạch lạc: Tin mới nhận được cho thấy địch đã biết tương đối chính xác kế hoạch tấn công của ta vào ngày 25, đã ra lệnh báo động và có kế hoạch đối phó. Theo tin trinh sát kĩ thuật: quân Pháp đã bắt được chiến binh của F308 và F312, khi vào chiếm lĩnh trận địa xuất phát tiến công, đưa về Hà Nội. Và ngay sau đó Bộ chỉ huy Bắc bộ đã ra lệnh: 1, Trong ngày 23 thả 1 tiểu đoàn dù xuống Mường Thanh để chốt giữa Mường Thanh và bản Hồng Lếch (trước mũi F308). 2, Điều binh đoàn cơ động ở Thượng Lào do đại tá Créve Coeur chỉ huy từ Mường Khoa (Lào) cấp tốc hành quân về hướng Điện Biên Phủ để chiều 24 có mặt ở tuyến sau F308. 3, Điều chỉnh các kế hoạch binh, hỏa lực và sẵn sàng chờ lệnh vào “ngày 25”. Anh Văn thoạt nghe có hơi bị sốc, tức khắc ra lệnh kiểm tra. Anh Phạm Kiệt, Cục phó Cục Bảo vệ, đi kiểm tra ngay việc chiến binh F308, F312 mất tích ở trận địa xuất phát tiến công. Tôi lập tức phải ra đài quan sát của C45, D426 trinh sát ở trên núi phía đông sân bay Mường Thanh, tận mắt kiểm tra việc địch đang thả quân dù. Đích thân Tổng tư lệnh đến gặp tổ kĩ thuật để các anh Bách, Tân giải trình một số bản tin “kĩ thuật mã thám”. Sau khi tổng hợp tình hình, tôi bình tĩnh khẳng định những tin tức đã báo cáo với Sở chỉ huy là chính xác và tin cậy. Anh Văn điềm tĩnh hơn lắng nghe và cân nhắc. Tôi biết anh còn nhiều điều phải lo lắng: “hậu cần”, “pháo”… Tôi cũng lo, cảm thấy tình hình thực sự nghiêm trọng nên cố gắng trình bày nhưng thận trọng nhấn thêm (bằng cách nhắc lại) điều mà Quân báo đã tổng kết về cách đối phó mới của địch: tập trung cao độ binh hỏa lực, phi pháo “dập” mũi tiến công ở ngay đột phá khẩu vào giờ “G” ngày “N”4.
- Được rồi! –Anh dứt khoát ngắt lời và ra lệnh tiếp - Không được phép tiết lộ các tin cụ thể trên nếu không được phép!
Tôi hiểu kỉ luật chiến trường cấm không được phát ngôn hay hành động có thể làm dao động quyết tâm của người chỉ huy trước giờ nổ súng! Đảng uỷ mặt trạn được triệu tập gấp. Các anh Thái, Liêm, Đặng Kim Giang từ trận địa trở về chưa nắm ngay được tình hình chung nên rất thận trọng. Không thể không cân nhắc về “cái giá 100% chắc thắng” của trận đánh mà không mất “vốn” xương máu của hàng vạn cán binh lúc đó. Sau cuộc hội ý kéo dài mới thực sự thống nhất: ngày “N” phải hoãn sang ngày 26. Sau cuộc họp, anh Văn cùng đ/c Hoàng Minh Phương đến gặp Trưởng đoàn cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh. Sau này tôi được biết: Đ/c Vi đã hoàn toàn đồng ý với Võ Tổng và sẽ “đả thông cho đoàn cố vấn” về việc phải thay đổi kế hoạch tiến công theo ý kiến của đ/c Võ Nguyên Giáp đề xuất. Đây là một biểu hiện quý giá về sự hợp tác giúp dỡ chân thành và hiệu quả của tình hữu nghị Việt-Trung. Các “đ/c Bạn” vốn có tác phong tuyệt đối phục tùng cấp trên chắc không phải là không có khó khăn khi chấp nhận tại chỗ ý kiến của phía VN đề xuất, trong lúc đó ở Bắc Kinh xa xôi đang trông chờ một sự kiện lớn nổi bật ở biên giới Việt-Trung vì đúng ngày 25-1 sẽ khai mạc ở Berlin (CHDC Đức) Hội nghị các cường quốc về vấn đề Triều Tiên và CHND Trung Hoa lần đầu tiên sẽ tham dự trong vị thế cường quốc lớn. Cho đến trưa ngày 26, lúc 11 giờ (6 tiếng trước giờ nổ súng theo kế hoạch), mệnh lệnh lịch sử đã được phát ra: Hoãn cuộc tiến công, giãn quân và rút pháo về khu tập kết! Anh Thái lệnh cho anh Lê Trọng Tấn và anh Trần Độ (F312) cùng anh Lê Liêm giúp anh Phạm Ngọc Mậu chỉ huy việc rút pháo trong tình huống cực kì nguy hiểm này. Anh Văn trực tiếp qua điện thoại với anh Vương Thừa Vũ: “Lệnh cho F308 cho “một bộ phận lực lượng” quạt ra phía sau đánh vào cánh quân từ Thượng Lào sang để hỗ trợ an toàn cho việc lui quân!”. “Báo cáo rõ. Xin chấp hành ngay lập tức!” - anh Vũ dõng dạc trả lời, mặc dù chưa được phổ biến tin tức địch ở mặt Thượng Lào và cũng chưa biết “một bộ phận” là bao nhiêu.
*
Ngay chiều 26.1, bộ đội tìm cách đánh cánh quân từ Thượng Lào tới. Nhưng vừa tiếp cận chúng đã chạy tán loạn và tan biến vào rừng. Được tin, anh Văn ra lệnh cho anh Vũ đưa cả F308 vượt biên giới tấn công truy kích. Cùng bộ đội Pathet Lào, F308 vừa tìm địch vừa đánh đã thọc một mạch như chẻ tre hơn 200 cây số đường xuyên rừng tới gần thủ đô Luang Prabang và Mường Sại. Trận đánh hỗ trợ đã chuyển thành một đòn đột kích chiến lược lớn dọc sông Nậm U, nhằm vào Kinh đô nước Lào vừa mới được chính phủ Pháp công nhận là một thành viên Khối Liên hiệp Pháp. Cả chiến trường Đông Dương rúng động. Giới lãnh đạo Pháp, Mỹ cùng các giới báo đài các nước ầm ĩ đưa tin: Việt Minh cắt Đông Dương làm đôi (couper en deux), “Congsan” đã tiến đến bờ sông MeKong sát biên giới Thái Lan, sắp tràn vào Đông Nam Á5… Bộ trưởng quốc phòng Pháp Pleven cùng Tổng tham mưu trưởng P. Ely vội bay qua Mỹ rồi sang VN và Lào. Ngoại trưởng Mỹ Dulless và chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ bàn chuyện trực tiếp can thiệp và tăng viện trợ quân sự, thêm phi cơ B26 cho quân đội Pháp… Nhưng trước tình hình quân sự suy sụp, tướng Navarre phải ra lệnh đình chỉ cuộc tiến công Atlande mới mở ở Tuy Hoà, phân tán khối binh đoàn cơ động chiến lược, tổ chức các cầu hàng không mới để lập và cứu giữ các trung tâm đề kháng mới ở Luang Prabang, Mường Sại (Thượng Lào), Savakhet (Trung Lào), tăng cường trở lại cho chiến trường đồng bằng Bắc bộ và Điện Biên Phủ… Pháp chuyển sang thế phải cấp bách đối phó phòng ngự ở nhiều mặt trận, đồng thời tăng cường khả năng chi viện về binh lực và hàng không cho Điện Biên Phủ không chỉ từ các căn cứ ở đồng bằng Bắc bộ mà cả từ phía Luang Prabang. Nhưng khi chỉ còn cách 15-20km, trước Luang Prabang đang hoảng sợ và sơ tán, “Sư đoàn thép 308” nhận được lệnh ngừng truy kích và rút về tập trung ở khu vực quanh Điện Biên Phủ. Trước Tết Nguyên đán đã kết thúc trận tập kích chiến lược hết sức táo bạo. Võ Tổng đã dám tung “con át chủ bài” Đại đoàn quân tiên phong 308 vào một trận đánh lớn không dự kiến trước, không có chuẩn bị đảm bảo hậu cần và tình báo như ở các chiến dịch trước nhưng hoàn toàn bất ngờ đối với đối phương và đã được Bộ Chính trị chấp thuận, khuyến khích. Và nếu như lúc đó F308 vấp phải khó khăn, bị tổn thất thương vong thì hệ quả tai hại đối với chiến dịch chính và cả chiến cuộc Đông xuân sẽ ở mức chưa thể lường hết được.
*
Khi kể lại tình hình ở thời điểm này, lính quân báo cảm thấy tự hào về sự đóng góp của ngành mình trong một đội quân nhân dân đích thực. Anh em kháo nhau:
- Miếng võ mở đầu ngoạn mục của quân ta “KÉO PHÁO RA Ở ĐIỆN BIÊN, THỌC SÂU QUẢ ĐẦM THÉP TỚI KINH ĐÔ LÀO” quả là lợi hại. Nó đã đảm bảo ta thu quân an toàn, đồng thời làm thất bại thảm hại hiệp đầu kế hoạch Navarre muốn giành chủ động tiến công chiến lược trước ta.
- Đó cũng là một chiến tích tuyệt vời của quân tướng VN, cả Bộ chỉ huy và Đảng uỷ mặt trận, đã “dám” quyết định và hành động dũng mãnh, sáng tạo, căn cứ vào thực tiễn chiến trường để tránh cho quân ta rất có thể phải trả một giá bằng xương máu rất lớn ngay trong trận đầu khi mới ra quân.
- Và nghiêm chỉnh thực hiện thành công lời chỉ dẫn quý báu của Bác (khi nghe báo cáo về kế hoạch Navarre, tháng 11-1953): “Khi quân địch hung hăng muốn chủ động giành thắng lợi quân sự, ta buộc chúng phải lâm vào thế bị động. Navarre muốn tập trung quân cơ động chiến lược thì ta có kế hoạch buộc chúng phải phân tán ra mà đánh.”
Tết Giáp Ngọ, thấy tình hình Luang Prabang tạm yên, mặt trận Điện Biên Phủ chưa nổ súng, tướng lĩnh Pháp giở đòn chiến tranh tâm lí cho phát thanh rầm trời, rải truyền đơn trắng rừng “thách tướng Giáp dám đánh vào Điện Biên Phủ thì Việt Minh sẽ bị đập nát”.
- Hãy đợi đấy! –Anh trinh sát trẻ tinh nghịch đang dự liên hoan quân dân vui miệng dỡn với chữ “casser du Viet” rồi hồn nhiên vác cây đàn nhập vào nhảy sạp với chị em người dân tộc cùng đồng bào từ hậu phương lớn lên chúc mừng thắng lợi xuân Giáp Ngọ.
TpHCM, 26-3-2004


1 Đảng uỷ mặt trận gồm anh Văn và các anh Hoàng Văn Thái, Lê Liêm, Đặng Kim Giang.
2 Nguyên Cục phó Cục Quân báo.
3 Theo chiến thuật công kiên nổi tiếng (của Quân giải phóng TQ): “nhất điểm lưỡng diện, mũi nhọn đuôi dài”, tức là vào thời điểm và nơi quân ta tiến công tập trung dày đặc nhất để xung phong vào tung thâm.
4 Như tướng De Lattre de Tassigny đã cho thực hiện ở các trận Vĩnh Yên, Mạo Khê, Chùa Cao năm 1951.
5 Khi chiến tranh Triều Tiên kết thúc, ở Đông Á, đế quốc Mỹ cho rằng Cộng sản phương Bắc sẽ quay sang phía tây để tràn vào Đông nam Á qua cổ chai Thái Lan.

Thứ Năm, 1 tháng 5, 2008

Lời chúc mừng ngày lễ

Nhân Ngày Chiến thắng 30/4 và Ngày Lao động quốc tế 1/5, xin kính chúc các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và cựu học sinh Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi (1965-70) thuộc TCCT, QĐNDVN dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt!
Chủ đề tháng 5: Chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày sinh nhật Bác...