Ngày 17/9/2008, tôi vinh dự có mặt trong buổi viếng thăm của đại diện Thiếu sinh quân các thế hệ tới chúc sức khỏe Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở khu biệt thự Hồ Tây. Tiết trời đã sang thu, nắng không còn gắt, gió nhè nhẹ thổi vào từ phía hồ. Nghe nói sau cuộc phẫu thuật năm ngoái ông phải dùng khung inox để tựa khi di chuyển nhưng nay lại thấy ông chầm chậm bước vào phòng khách chỉ cần thêm người đỡ. Phu nhân Đặng Bích Hà đi bên. Thấy trong tốp đón ông có 2 cô gái đứng ở cuối hàng, ông quay ra hỏi: “Sao lại để 2 đồng chí nữ đứng phía sau?”. Ôi, Đại tướng tinh tế làm sao! Chúng tôi ùa vào phòng vây quanh chỗ ngồi của Võ Đại tướng và phu nhân. Khi đã ổn định, đại tá Nguyễn Huyên có lời: “Báo cáo anh Văn, hôm nay đại diện các thế hệ Thiếu sinh quân VN đến thăm và chúc sức khỏe anh”. Nghe đến đây, Đại tướng giơ tay lên chào. Sau khi đại tá Thái Chi (Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi thời kì chống Mỹ) lên tặng hoa, anh Lê Xuân Tùng (Thiếu sinh quân VN 1950, nguyên Bí thư Thành uỷ Hà Nội), thay mặt anh em phát biểu:
- Kính thưa Đại tướng Tổng Tư lệnh, trước hết xin phép được xưng hô “bác, cháu” cho thân tình. Thay mặt anh em Thiếu sinh quân VN các thế hệ, cháu xin có vài lời. Trước hết xin kính chúc bác thật mạnh khỏe để làm chỗ dựa tinh thần cho nhân dân cùng cán bộ, chiến sĩ cả nước! Thưa bác, ngay từ ngày 23/9/1945 ở Nam bộ đã xuất hiện những liên lạc viên, những đồng tử quân tuổi thiếu niên, rồi khi bùng nổ “Toàn quốc kháng chiến” lại xuất hiện những Vệ út của Trung đoàn Thủ đô, những Thiếu sinh quân Khu IV, Khu X... Không khác gì Ga-vơ-rốt các bạn len lỏi khắp các mặt trận lúc thì đưa thư, khi tiếp đạn hay băng bó cho thương binh; khi ngưng tiếng súng lại được thế hệ cha chú dạy chữ, dạy nết. Rồi Đảng, Bác Hồ nhận thấy việc bồi dưỡng kế cận là cần thiết. Đến ngày 10/11/1948, Đại tướng đã kí quyết định số 425/TCH cho Thiếu sinh quân các đơn vị được đi học tập trung và thống nhất gọi thế hệ ấy là Thiếu sinh quân VN. Hôm nay, các bạn Thiếu sinh quân từ miền
Trong không khí rất ấm cúng, gần gũi giữa anh Văn - người anh cả của lực lượng vũ trang với các thế hệ Thiếu sinh quân, bà Hà quay sang ông: “Vậy anh phải có phát biểu gì cho văn văn một chút chứ?”. Ngưng một lát, Đại tướng chậm dãi nói:
- Hôm nay các đồng chí đại diện cho Thiếu sinh quân VN các thế hệ chống Pháp, chống Mỹ và thời kì đổi mới từ mọi miền Tổ quốc đến thăm và chúc sức khỏe. Tôi rất xúc động và xin chân thành cảm ơn các đồng chí! (Anh em vỗ tay hưởng ứng). Vậy Thiếu sinh quân các thế hệ đã cống hiến cho Tổ quốc thế nào?
Anh Lê Xuân Tùng tiếp lời: “Đã 60 năm trôi qua, thế hệ Thiếu sinh quân thời chống Pháp đều trưởng thành. Sau đó có nhiều đồng chí đảm nhận những cương vị trọng trách của Đảng, Nhà nước, là tướng lĩnh như Vũ Khoan, Vũ Mão, Bùi Hồng Phúc, Cao Long Hỷ..., có nhiều bạn là những nhà khoa học, giáo sư, viện sĩ hay văn nghệ sĩ nổi tiếng. Có cả những “tư sản đỏ” như Lê Minh Ngọc. Đến nay, lớp chúng cháu đã ngoài 70, có bạn đã gần 80, hầu hết đã nghỉ hưu…”. Nghe đến đây, Đại tướng ngắt lời: “Các đồng chí xứng đáng là “Bộ đội Cụ Hồ”! Còn thế hệ chống Mỹ thì thế nào?”.
- Báo cáo Đại tướng, - Chuẩn đô đốc Hải quân Lê Văn Đạo tiếp - thế hệ chống Mỹ có trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi. Hiện nay lứa chúng cháu còn nhiều bạn đang công tác. Trong số đó có bạn Nguyễn Thiện Nhân là Phó Thủ tướng và 1 trung tướng, 11 thiếu tướng cùng các cán bộ cao cấp trong và ngoài quân đội. Thời kì đổi mới có các trường Thiếu sinh quân của quân khu I, V, IX và TpHCM là những địa chỉ cung cấp nguồn đào tạo sĩ quan cho quân đội.
- Vậy là tốt, công tác đào tạo cán bộ vô cùng quan trọng!
Khi biết lần này về thăm có thầy trò trường Thiếu sinh quân Quân khu I do Hiệu trưởng đại tá Đàm Dũng - con trai của Trung tướng Đàm Văn Nguỵ, ông cảm thấy thật hài lòng vì con cháu đồng đội đã tiếp được bước cha anh.
Nhà báo Sĩ Ẩn thay mặt Ban Liên lạc truyền thống các trường Thiếu sinh quân VN lên gắn kỷ niệm chương cho Đại tướng và báo cáo: “Ngày 26/10 năm nay, tại TpHCM, họp mặt chính thức của Thiếu sinh quân toàn quốc các thế hệ sẽ được tổ chức. Chúng cháu nhất trí chọn ngày 10/11 là ngày truyền thống của Thiếu sinh quân VN”.
Đến phần tặng quà cho Đại tướng, ông yêu cầu cho xoay lại tấm ảnh để nhìn rõ hơn những chú bé đầu trọc, tay cầm sách, ngồi học ngay bên hào giao thông trong rừng hay cả lớp C2 trong quân phục đứng quanh thầy giáo Phạm Tuyên, thời kì ở La Bằng, Thái Nguyên năm 1950. Cảm động hơn khi Đại tá Nguyễn Xuân Thâm, cựu Thiếu sinh quân 1946, được giới thiệu sẽ tặng Đại tướng một món quà đặc biệt. Anh Thâm đứng sát bên Đại tướng, nói: “Báo cáo Đại tướng, trong tấm ảnh này là cháu và anh Phát. Chúng cháu chụp trước khi lên tầu vào miền Nam đi Nam tiến cuối năm 1945. Đã 63 năm trôi qua…”. Đại tướng nheo mắt ngắm những người trong ảnh rồi quay lại nhìn 2 “chiến sĩ già” của mình với ánh mắt đầy xúc động.
Thời gian chuyện trò bên Đại tướng không cho phép kéo dài, sợ ảnh hưởng tới sức khỏe. Chúng tôi được bố trí chụp ảnh chung với ông, sau đó là bức ảnh của anh em đại diện miền
Đúng là một buổi gặp gỡ hiếm có của một vị Tổng chỉ huy với những người lính!