Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2007

CHA MẸ CHÚNG TA

Chuyện ở cuối "Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển"

Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển đã đi vào huyền thọai với những con tầu không số và những lính thủy quả cảm. Như nếu chỉ ca ngợi những con tầu, những người lính trên biển thì chưa đủ mà phải kể đến cả sự hy sinh anh dũng của những đơn vị đón tiếp, bến bãi và sự giúp đỡ của nhân dân.

A101 Đòan 962 (còn gọi là Bến – Bến Tre), một trong những đơn vị tổ chức tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường Nam bộ, được thành lập từ sau Ngày đồng khởi 1960. Năm 1966, ông Nguyễn Văn Phối (Ba Bổn) là Thuờng vụ Khu ủy Khu 8, Phó Chính ủy Quân khu 8, đồng thời là Chính ủy kiêm Đoàn trưởng.

Ngày 15/6/1966, ông đi khảo sát tìm bến bãi mới tại huyện Thạnh Phú, trên con thuyền số 4 của Thuyền trưởng Lê Văn Diện. Thuyền rời bến A101 (Bến Tre) tới bến Trà Vinh (mật danh B2), lượt về có thêm 2 thuyền chở vũ khí của B2 đi cùng. Thuyền số 4 đi sau cùng, nhưng vừa qua khỏi sông Cung Hầu thì gặp tầu hải quân Vùng 4 chiến thuật ngụy. Chúng phát hiện và cắt ngang đội hình ta. Hai thuyền của B2 lọt được vào vàm Khâu Răng (xã Thạnh Phong), còn thuyền số 4 nổ súng đánh địch kết hợp với lực lượng bảo vệ trên bờ. Nhưng lực lượng không cân sức, ông Ba Bổn hạ lệnh thực hiện phương án cuối cùng. Một chớp sáng màu đỏ bùng lên kèm theo tiếng nổ lớn chấn động cả vùng. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tham gia chiến đấu lặng người đi. Như vậy 9 đồng chí, trong đó có Đòan trưởng cùng thuyền số 4 vĩnh viễn nằm lại vùng sông biển mênh mông của tuyến đường vận chuyển. Sáng hôm sau, đơn vị bí mật cử người đi tìm xác các đồng chí hy sinh nhưng chỉ nhặt được ít phần thân thể còn lại trôi giạt vào bờ. Anh em gói vào miếng mũ che mưa, đem chôn ở Cồn Lớn, xã Thạnh Phong.

Sau năm 1975, theo yêu cầu của gia đình đồng chí Ba Bổn, một phần xương cốt trong mộ được bốc lên đưa về quê ở Đồng Tháp, phần còn lại đưa về NTLS huyện Thạnh Phú chôn trong nấm mộ lấy tên tượng trưng của 1 trong 8 LS: Thuyền trưởng Lê Văn Diện.

Và không phải ai cũng biết, đồng chí Ba Bổn chính là thân phụ của Nguyễn Công Trường, lính Trỗi k5. Vậy là ngày chú Ba Bổn hy sinh thì chúng ta đóng quân ở An Mỹ, Đại Từ. Chuyện chú hy sinh phải bao nhiêu năm sau mới biết.

Xin thắp nén tâm nhanh cầu cho ông được siêu thóat và phù hộ cho con cháu, gia đình cùng đồng đội!

(Ảnh tư liệu về ông Ba Bổn mà gia đình còn lưu giữ).

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2007

50 NĂM NGÀY MẤT TƯỚNG NGUYỄN CHÁNH

Sáng nay, 21/9/2007, tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (Hà Nội), Hội Sử học VN và gia đình Tướng Nguyễn Chánh tổ chức lễ tưởng niệm 50 năm ngày mất của ông.
Nguyễn Chánh, một nhân vật lịch sử, người lãnh đạo Khởi nghĩa Ba Tơ 1945, nguyên Bí thư Khu ủy Khu Năm, Tổng cục trưởng Tổng cục Cán bộ. Ông ra đi quá sớm khi đất nước vừa chiến thắng thực dân Pháp đựơc 3 năm, trước đợt phong quân hàm cho các tướng lĩnh trong quân đội 1958, nhưng cán bộ, chiến sĩ trong quân đội vẫn gọi ông với cái tên thân thương - TƯỚNG NGUYỄN CHÁNH.
Xin chân thành thắp nén tâm nhang tưởng nhớ đến ông!

Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2007

ĐỜI THƯỜNG TƯỚNG LĨNH


“VẪN CÒN THIẾU... ”

Một lần, Thiếu tướng Nguyễn Chơn (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) từ Quân khu 5 ra Hà Nội làm việc với Đại tướng Hoàng Văn Thái. Cuộc họp rất căng thẳng nên Thiếu tướng Nguyễn Chơn đã nghĩ “câu chuyện làm quà” để Đại tướng thư giãn. Ong chợt nhớ quê Đại tướng ở Tiền Hải, Thái Bình, nơi có truyền thống cách mạng “tiếng trống năm 30”. Đặc biệt, Thái Bình có nhiều nhân vật của những sự kiện lịch sử: Người phất lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” trên nóc sở chỉ huy của tướng bại trận Đờ Cát, chiều 7-5-1954 tại Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp. Người cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập vào trưa 30-4-1975, cáo chung sự thất bại hoàn toàn của đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn, giành thống nhất non sông. Người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ cùng phi công Liên Xô Gorbatcô...
Sáng sau, lúc giải lao, Thiếu tướng Nguyễn Chơn vui vẻ nhắc tới nhưng nhân vật đặc biệt ấy. Đại tướng im lặng nghe đến hết, sau đó mới chậm rãi nói:
- Rất cảm ơn đồng chí đã nhắc đến con người và truyền thống quê hương tôi. Nhưng thật ra vẫn còn thiếu…
- Thiếu gì ạ? – Tướng Chơn lo lắng.
- Đồng chí có biết ai là người phất lá cờ đỏ sao vàng trong trận đánh thắng đồn Nà Ngần ngày 26-12-1944 của quân đội ta, tức là trận đánh đầu tiên sau 4 ngày thành lập Đội VNTTGPQ?
- Báo cáo, không biết ạ.
- Người đó cũng là dân Thái Bình.
- Vậy là ai ạ?
- Người đang ngồi trước mặt đồng chí đây!
Rồi hai vị tướng cười khà khà cùng thư giãn.
Sau này, Tướng Chơn còn biết thêm: trong bức ảnh chụp 34 chiến sĩ tại buổi tuyên thệ thành lập Đội VNTTGPQ, ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), người cầm lá cờ đỏ đứng trước hàng quân chính là Đại tướng Hoàng Văn Thái sau này.
Chuyện thú vị không phải ai cũng biết…

CHA MẸ CHÚNG TA

CHUYỆN TƯỚNG HOÀNG SÂM DIỆT PHỈ

Tướng Hoàng Sâm sinh năm 1915 tại Lệ Sơn, Tuyên Hóa, Quảng Bình. Năm 12 tuổi, ông được chọn sang Thái Lan học tập rồi trở thành liên lạc cho Cụ Hồ. Năm 1940, ông còn được cử đi học ở một trường quân sự do Tàu Tưởng tổ chức. Ngày 8/2/1941, Hoàng Sâm cùng các đ/c Phùng Chí Kiên, Võ Nguyên Giáp, Lê Quảng Ba, Đặng Văn Cáp… bảo vệ Bác từ Trung Quốc về Pắc Bó (Cao Bằng). Cuối năm ấy, đội du kích đầu tiên được thành lập gồm 12 chiến sĩ do đ/c Lê Thiết Hùng là đội trưởng, Lê Quảng Ba làm chính trị viên và Hoàng Sâm là đội phó.
Lợi dụng điều kiện xã hội và địa lí hiểm trở, nhiều toán phủ đã nổi lên cướp bóc, giết chóc, gây khó khăn cho bà con dân tộc vùng biên giới Việt-Trung. Nếu không dẹp được nạn phỉ sẽ khó động viên bà con ủng hộ cách mạng.
Những trùm phỉ như anh em Voòng A Sáng, Voòng A Sính, Châu Slam Tha (Châu “ba mắt”), Lỳ Síu… sống anh hùng hảo hán nhưng rất kính nể những người can đảm, tài ba. Hoàng Sâm còn có tên là Trần Sơn Hùng, nổi tiếng gan dạ, đánh đông dẹp bắc, bắn súng bằng cả 2 tay “bách phát bách trúng”, phi ngựa như kị sĩ, nói tiếng Quảng như thổ dân. Bọn phỉ nghe danh rất nể và muốn đọ tài. Một lần, Lỳ Síu kéo quân đến cửa hang Pắc Bó đòi gặp Trần Tiên sinh. Vừa thấy ông bước ra 2 tay khoanh trước ngực, súng pặc-khoọc đeo lệch vai, dao quắm giắt bên hông, hắn vội cúi đầu chào:
- Chào cán bộ! Xin mời cán bộ uống rượu đến say rồi ta thi bắn súng!
Quả như lời đồn, dù đã ngấm hơi men, Trần “đại ca” không cần ngắm, cứ nâng súng lên vẩy đâu trúng đó. Lý Síu từ đó khuất phục.
Nắm được đặc điểm trùm phỉ gốc Hoa rất trọng đồng hương, đồng họ, đồng môn… nên Hoàng Sâm đã thân chinh cưỡi ngựa vào tận sào huyết của phỉ Voòng A Sáng. Nghe danh từ lâu nay mới hội ngộ, lại thấy ông “đồng họ” (Hoàng theo tiếng Quảng là Voòng, Hoàng Sâm là Voòng Sám) nên trùm phỉ quý trọng mở tiệc chiêu đãi. Trong bữa tiệc, Voòng A Sáng mời ông uống rượu nhắm với “não hầu” (óc khỉ) và đề nghị kết nghĩa huynh đệ.
Nhờ hành động kiên quyết và khôn khéo đã hạn chế được sự phá phách, cướp bóc của bọn phỉ, gây được uy tín trong nhân dân nên số hội viên Cứu quốc theo Việt Minh ngày càng đông.
Kiến Quốc

Hướng dẫn tạm thời cách vào nhanh các blog của Google

Hiện tại ở Hà nội và một số tỉnh miền Trung các anh em học sinh trường Trỗi muốn truy cập vào các blog Bạn Trỗi thường gặp rất nhiều khó khăn vì đường truyền Internet chậm và thậm chí không vào được các blog Bạn Trỗi. Để đơn giản và dễ làm cho mọi người, theo kinh nghiệm đã dùng, chúng tôi tạm thời trình bày cách làm đơn giản tại địa chỉ dưới đây để mọi người tham khảo và thử thực hiện xem. Bạn nào có cách tốt và hay hơn xin đóng góp cho anh em. (Khuyến cáo dùng trình duyệt Firefox ). Có thể bấm vào tiêu đề bên fải blog: cách vào các blog của Google, hoặc xem tại đây

Cài đặt thêm tính năng chuyển proxy thì dễ dàng chuyển trạng thái có/không dùng proxy, dễ dàng kiểm soát trạng thái có dùng proxy hay không. Xem tài liệu ở địa chỉ bên phải blog