Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2009

THẦY GIÁO HOÀNG ĐẠO THÚY - TỪ "HƯỚNG ĐẠO SINH" ĐẾN VÕ BỊ TRẦN QUỐC TUẤN

Ngày 15-4-1946, theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch, trường Cán bộ Việt Nam mà tiền thân là Quân chính kháng Nhật được đổi thành Võ bị Trần Quốc Tuấn, thực hiện đào tạo cán bộ chỉ huy cấp trung, đại đội trong thời gian 6 tháng. Do yêu cầu, Người đã bổ nhiệm đ/c Hoàng Đạo Thuý, một nhà giáo yêu nước, nguyên Trưởng phòng thông tin (Bộ Tổng Tham mưu) làm Hiệu trưởng.

Sinh năm 1900 trong một gia đình nho học, khi lớn lên Hoàng Đạo Thúy đã chọn cho mình nghề sư phạm. Xách chiếc va-ly với vài bộ quần áo và chục quyển sách, ông đi dậy học khắp nơi. Khi thì lên rừng, lúc lại xuống biển, đến đâu ông cũng tìm hiểu nhân tình thế thái, tìm hiểu lịch sử dân tộc. Năm 1929, học tập phương pháp rèn luyện của thanh niên phương Tây, ông đã cùng những người bạn đồng chí hướng thành lập “Hội hướng đạo Việt Nam”. Những ngày dã ngoại xa thành phố, những đêm quây quần bên lửa trại, những chuyến xuyên rừng sâu tập tìm phương hướng, hay những bài tập thông tin đánh “moóc-xơ”… đã khơi dậy lòng yêu nước và tạo dựng bản lĩnh sống trong giới thanh thiếu niên trí thức. Thực dân Pháp và cả phát xít Nhật cố lôi kéo ông phục vụ cho ý đồ của chúng, nhưng ông đã khéo đối phó, cố gắng duy trì hoạt động của Hội, đến những năm 40 Hội có tổ chức rộng khắp Đông Dương. Trong số những tráng sinh ngày ấy nhiều người sau này đã trở thành những cán bộ cốt cán như Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng, Dương Đức Hiền, Vũ Quý… Những năm 40, ông về dậy học ở Hà Nội, đây là dịp để có thể nghiên cứu sâu về Thăng Long – Đông Đô, về lịch sử cha ông ta đánh giặc.

Năm 1943, các đ/c Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh đã cố gắng tiếp cận ông, nhưng không thành do mật thám Pháp theo dõi ráo riết. Sau này, đ/c Vũ Quý đã tiếp xúc được với ông, hướng phong trào đi theo đường lối của Việt Minh. Tháng 6-1945, chính phủ Trần Trọng Kim định mời ông làm Bộ trưởng Thanh niên, ông từ chối. Trong những ngày sôi sục của Cách mạng Tháng Tám, ông được mời lên Tân Trào dự Quốc dân đại hội. Tại đây, ông đã được gặp Hồ Chủ tịch và các đ/c Trường Chinh, Phạm Văn Đồng… cùng những nhân sĩ, trí thức tiêu biểu. Gắn đời mình với Cách mạng, với trách nhiệm của người trí thức, với kinh nghiệm hoạt động hướng đạo và uy tín của Tổng ủy viên, ông đã vận động đông đảo anh em hướng đạo sinh, tráng sinh và đồng nghiệp tham gia Việt Minh, củng cố chính quyền non trẻ ở các cấp. Sau 2-9-1945, đ/c Võ Nguyên Giáp đã giao cho ông nhiệm vụ tổ chức thông tin liên lạc cho cả nước và ông đã trở thành người lãnh đạo đầu tiên của binh chủng Thông tin.

Khi nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng trường Võ bị, Hoàng Đạo Thúy đã đưa cả vợ con lên phục vụ nhà trường. Ngày khai giảng, 25-6-1946, Cụ Hồ cùng các đại biểu đã trực tiếp đi thăm nơi ăn, chốn ở của bộ đội. Tới bếp ăn, thấy anh em ăn thừa cơm, Cụ Hồ đã phê bình là lãng phí của nhân dân. Tiếp thu ý kiến của Người, ngay hôm sau, bà Thúy đã có sáng kiến lấy cơm sạch còn thừa chế biến làm tương ăn cho bộ đội. Với trình độ sư phạm và kiến thức lịch sử cùng kinh nghiệm tổ chức hướng đạo, Hiệu trưởng Hoàng Đạo Thuý đã cùng Chính trị ủy viên Trần Tử Bình và các đ/c Vương Thừa Vũ, Vũ Lập, các cán bộ, giáo viên kết thúc đào tạo khóa huấn luyện dài hạn đầu tiên một cách xuất sắc. Ngày 8-12-1946, gần 300 học viên ra trường đã bổ sung ngay cho các đơn vị, hưởng ứng lời kêu gọi “toàn quốc kháng chiến” của Hồ Chủ tịch.

Đến khóa 3, ông lại được chỉ định làm Hiệu trưởng, còn đ/c Lê Đình làm Chính trị viên. Trong khóa học này, tất cả cán bộ, học viên đều không quên được kỷ niệm – thầy Hoàng Đạo Thuý được kết nạp vào Đảng. Đó là ngày 1-5-1947, lễ kết nạp được tổ chức tại cơ quan Tỉnh ủy Bắc Cạn, ngay trong rừng. Đ/c Hoàng Văn Thái, đại diện cho Đảng ủy quân sự Trung ương, đã về dự; 2 đ/c Nguyễn Văn Bồng và Triệu Huy Hùng được phân công giúp đỡ đảng viên dự bị. Đặc biệt hơn, trong số học viên khóa 2 và 3 ngày ấy có cả đ/c Hoàng Đạo Hùng là con trai của ông.

Để thống nhất trong công tác đào tạo, khóa 2 sau khi kết thúc ở Khu Bốn đã hành quân ra Bắc Cạn hợp nhất cùng khóa 3 vào ngày 10-9-1947. Khi sắp kết thúc huấn luyện thì giặc Pháp nhẩy dù xuống thị xã Bắc Cạn, gần khu vực đóng quân của trường. Ngày 9-10-1947, nhà trường được biên chế thành trung đoàn E79 do thầy Thúy là trung đoàn trưởng. Trung đoàn đã tổ chức đánh thắng 2 trận Đầm Hồng và Yên Thịnh, phá vỡ kế hoạch hợp điểm của địch tại Bản Thi. Và trong lễ bế giảng tại đình Nghĩa Tá, ngày 28-10-1947, do thành tích học tập và chiến đấu, thầy trò Võ bị khóa 2 và 3 đã vinh dự được Bác Hồ tặng cho 4 chữ vàng “Trung dũng, Quyết thắng”.

Năm 1966, cụ nghỉ hưu và về với căn nhà nhỏ của tổ tiên để lại ở làng Đại Yên (Hà Nội). Với tình yêu quê hương đất nước, với kinh nghiệm của những ngày tháng rong ruổi dậy học và tham gia cách mạng, với trình độ uyên thâm về lịch sử, cụ đã tranh thủ viết sách. Cụ đã để lại cho đời nhiều cuốn sách quý như “Trai nước Nam làm gì” (1943), “Nghề thầy” (1944), “Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội” (1960), “Phố phường Hà Nội xưa” (1974), “Đất nước ta” (1989)…vv.

Hàng năm, cứ ngày mồng 3 Tết, các cựu cán bộ, học viên Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa 1,2,3 và anh em hướng đạo sinh cùng bạn bè cũ đã đến chúc Tết thầy. Đầu Xuân 1993, đ/c Đỗ Mười và đ/c Lê Quang Đạo đã đến mừng thọ cụ 93 tuổi. Đúng như những gì về cuộc đời mà cụ đã tổng kết “dậy học 28 năm, làm hướng đạo 15 năm, vào bộ đội 20 năm, cả đời yêu nước, làm việc gì cũng vì nước” và thầy luôn tâm đắc “quãng đời trong quân đội là quãng đời hạnh phúc nhất”. Khi thấy mình đã yếu lắm, cụ yêu cầu đ/c Phan Phác (nguyên cán bộ Tổng đội học viên khóa 2 và 3) treo lên phía cuối giường 2 lá cờ “Trung với nước, Hiếu với dân” của Võ bị khóa 1 và “Trung dũng, Quyết thắng” của Võ bị khóa 2 và 3 để cụ được nhìn lần cuối, để nhớ đến Hồ Chủ tịch kính yêu và những đồng đội thân thiết của mình. Sau ngày cụ mất, lục dưới gối đầu giường, gia đình tìm thấy một tờ giấy đã thấm mồ hôi, ngả mầu vàng có ghi lại bài thơ “Ngủ quên” cụ làm trước đó 1 năm:

Gió thoảng, trăng trong, buổi mát trời/ “Ngủ quên, không dậy” việc thường thôi!/ Các con chớ giận không từ biệt/ Cháu nhớ ông bà ngày tháng trôi/ Cái chính chỉ là một lời dặn:/ “Giữ lòng trung hậu ở trên đời”/ Nhớ thương ghi tạc tình cao cả/ Tổ quốc bền lâu với đất trời! - Xuân 1994

Và có một điều không phải ai cũng biết, cụ chính là bố vợ của giáo sư Tạ Quang Bửu, cố Bộ trưởng Bộ Đại học của chúng ta và bà Oanh – vợ giáo sư – chính là người đã cùng mẹ lên trường Võ bị phục vụ bộ đội trong những ngày đầu tiên tại thị xã Sơn Tây năm 1946. Tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, suốt đời phục vụ nhân dân và cuộc đời thanh bạch, giản dị của thầy Hoàng Đạo Thúy sẽ sống mãi trong lòng người dân Việt Nam!

Thứ Tư, 11 tháng 2, 2009

NGÀY XUÂN KỂ CHUYỆN TƯỚNG HOÀNG SÂM TIỄU PHỈ

Là thế hệ con cháu nhưng tôi có một ước mơ ghi lại tư liệu về những vị tướng lĩnh đầu tiên của Quân đội. Theo sách vở, đầu năm 1948, Bác Hồ ký quyết định tấn phong quân hàm đại tướng cho đ/c Võ Nguyên Giáp, trung tướng cho đ/c Nguyễn Bình và thiếu tướng cho 9 đ/c: Hoàng Văn Thái, Nguyễn Sơn, Văn Tiến Dũng, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Lê Hiến Mai, Trần Tử Bình và Trần Đại Nghĩa. Cuộc đời “các lão tướng” thật vẻ vang và đáng kính trọng! Nhân dịp Xuân mới Quý Mùi, xin kể lại chuyện tướng Hoàng Sâm tiễu phỉ ở vùng biên giới Việt-Trung đầu những năm của thập kỷ 40.
Đ/c Hoàng Sâm tên thật là Trần Văn Kỳ sinh năm 1915 tại Lệ Sơn, Tuyên Hóa, Quảng Bình. Năm 12 tuổi đã đựơc giác ngộ cách mạng và được chọn sang Thái Lan học tập. Tại đây anh trở thành liên lạc cho Bác Hồ mới từ châu Au về. Năm 1933, đựoc kết nạp vào Đoàn rồi vào Đảng. Đầu 1937, từ Trung Quốc về nước tham gia Tỉnh uỷ Cao Bằng, sau đó anh trở lại Quảng Đông dự học một trường quân sự thân Tưởng. Mùa Đông 1940, anh được gặp lại Bác Hồ cùng các đ/c Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp.
Ngày 8-2-1941, Bác Hồ từ Trung Quốc về Pắc Bó (Cao Bằng). Trong chuyến hành hương đó, đ/c Hoàng Sâm cùng các đ/c Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Đặng Văn Cáp… đã bảo vệ Người trở về nước an toàn. Tháng 5 năm đó, Hội nghị Trung ương 8 họp tại đây quyết định nhiều vấn đề quan trọng và bầu đ/c Trường Chinh làm Tổng bí thư. Cuối năm đó, đội du kích đầu tiên của Cao Bằng được thành lập gồm 12 chiến sĩ do đ/c Lê Thiết Hùng làm đội trưởng, Lê Quảng Ba làm chính trị viên và Hoàng Sâm là đội phó. Đội có nhiệm vụ bảo vệ khu căn cứ, bảo vệ Bác, tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng và tiễu phỉ trừ gian ở vùng biên giới. Từ giữa 1942, đ/c Hoàng Sâm thay đ/c Lê Thiết Hùng đi “Nam tiến”.
Lợi dụng điều kiện xã hội phức tạp và địa lý hiểm trở ở vùng biên giới mà nhiều toán phỉ có vũ trang đã cướp bóc, giết chóc gây nhiều khó khăn cho cuộc sống bà con các dân tộc. Đã khổ vì quan Tây, quan Châu áp bức nay lại phải chịu “nạn phỉ “. Nếu không dẹp được “nạn phỉ” thì sẽ khó mà động viên bà con ủng hộ và tham gia cách mạng. Từ năm 1939, Châu uỷ Hà Quảng đã phát động dân lập Hội chống phỉ với sách lược kiên quyết trừng trị đi đôi với giáo dục thuyết phục những người nghèo lầm lạc theo phỉ trở về với nhân dân. Nhưng việc thuyết phục những tóan phỉ lớn không phải dễ dàng. Chúng rất đông, nhiều súng và hoạt động rất tàn bạo. Những tên trùm phỉ sống ngang tàn kiểu “anh hùng hảo hán” nhưng rất kính nể những người can đảm, tài ba. Trong số đó có anh em Voòng A Sáng, Voòng A Sính, có Châu Slam Tha (Châu “ba mắt”), Lỳ Síu…
Đ/c Hoàng Sâm còn có tên Trần Sơn Hùng nổi tiếng cả vùng Cao Bằng là người gan dạ “đánh Đông dẹp Bắc”, bắn súng bằng 2 tay “bách phát bách trúng”, phi ngựa thì như kị sĩ, nói tiếng Quảng thì như người Hoa. Bọn trùm phỉ nghe danh rất kiêng nể nhưng lại rất thích thi gan, đọ tài với cán bộ cách mạng. Một lần, tên Lỳ Síu kéo quân đến cửa hang Pắc Bó đòi gặp ông Trần và ông Lê. Vừa trông thấy Trần Sơn Hùng với tác phong oai phong khoanh 2 tay trước ngực, súng “pặc-khoọc” đeo lệch một bên vai, con dao quắm đi rừng dắt bên hông, hắn vội cúi đầu chào và có lời mời 2 cán bộ uống rượu đến say rồi thi bắn súng, ném lựu đạn. Quả như lời đồn, gan và tài của ông Trần có một không hai – cho dù đã ngấm hơi men nhưng không cần ngắm, nâng súng sáu vẩy đâu trúng đó - đã khuất phục Lỳ Síu.
Nắm được đặc điểm những tên trùm phỉ vốn là gốc Hoa rất trọng đồng hương, đồng họ, đồng môn, đồng niên… nên đ/c Hoàng Sâm đã thân chinh cưỡi ngựa vào tận sào huyệt bọn phỉ Voòng A Sáng thuyết phục chúng hòa hoãn. Biết tiếng từ lâu nay mới “hội ngộ” lại thấy ông cùng họ (Hoàng phát âm theo tiếng Quảng Đông là Voòng, Hoàng Sâm là Voòng Sám) nên trùm phỉ hết sức quý trọng mở tiệc chiêu đãi. Trong bữa tiệc, Voòng A Sáng mời Hoàng Sâm uống rượu nhắm với “não hầu” (óc khỉ sống) và đề nghị kết nghĩa huynh đệ. Nhờ hành động rất kiên quyết nhưng lại khôn khéo mà các đ/c đã hạn chế được sự phá phách, cướp bóc của bon phỉ, làm cho nhân dân thêm tin tưởng ở cách mạng. Vì vậy số hội viên cứu quốc theo Việt Minh ngày càng đông. Từ giữa 1943, phong trào cách mạng phát triển và tiến dần về xuôi. Đội du kích Cao Bằng phân tán mỗi người một nhiệm vụ. Đ/c Hoàng Sâm được giao nhiệm vụ tổ chức đội bảo vệ các đội xung phong Nam tiến. Ngày 22-12-1944, đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Sam Cao, Nguyên Bình, Cao Bằng, đ/c được cử làm đội trưởng. Sau 2 chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần, đội phát triển thành đại đội, đ/c được cử là C trưởng. Ít lâu sau, từ đại đội phát triển thành chi đội (tương đương tiểu đoàn) đ/c lại được cử làm chi đội trưởng.
Theo chân Bác, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đ/c đảm đuơng các nhiệm vụ Chỉ huy trưởng mặt trận Tây tiến (1947), Chỉ huy trưởng khu 3 (1948), Đại đoàn trưởng 304 (1952-54) và Tư lệnh quân khu 3 cho đến ngày hy sinh tại mặt trận Trị Thiên (15-12-1968).
Cuộc đời tướng Hoàng Sâm là tấm gương sáng cho thể hệ trẻ noi gương và học tập!

Thứ Hai, 9 tháng 2, 2009

BÀI THƠ TÌNH CỦA NGƯỜI LÍNH THAM GIA 2 TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ

Một ngày đầu xuân Giáp Thân, chúng tôi hân hạnh được mời đến dự liên hoan sinh nhật thứ 80 của Thiếu tướng Chuẩn đô đốc Trần Văn Giang. Từng cùng đồng chí Nguyễn Quang Bích đưa 114 cán bộ sang Trung Quốc đầu năm 1953 học chỉ huy pháo phòng không tại Trường sĩ quan Pháo cao xạ Thẩm Dương, trở về nước trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử 1954 ông là Phó chính uỷ trung đoàn 367 (đơn vị pháo cao xạ phòng không đầu tiên) tạo ra “lưới lửa Điện Biên phủ” bắn rơi nhiều máy bay và cắt đứt "cầu hàng không" của quân đội Pháp. Trong chiến tranh chống Mỹ ông lại là Chính uỷ sư đoàn 361 phòng không bảo vệ bầu trời Hà Nội trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" 1972, hạ nhiều pháo đài bay B52 của giặc Mỹ. Sau này ông còn là Chính uỷ quân chủng Hải quân. Thật cảm động khi thấy những đồng đội của ông râu tóc bạc phơ nhưng vẫn lên ngâm những bài thơ viết về bạn, cùng hát tập thể những bài ca được sáng tác từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Cũng lần đó tôi được ông tặng cho bài thơ “Chim nhạn”.

x

Cuối tháng 4-1949, Văn Giang – Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 121 đóng quân ở Thái Nguyên xin phép về Yên Thế (Bắc Giang) cưới vợ. Cho dù đang trong những ngày gian khó của kháng chiến chống Pháp nhưng cuộc sống vẫn vận hành theo đúng quy luật! Trong buổi tiệc mừng tân hôn có Chính ủy trung đoàn Phạm Ngọc Mậu về dự. Thông cảm với cán bộ và thương cho đôi vợ chồng trẻ, ông tuyên bố: “Cho Văn Giang nghỉ phép 15 ngày bắt đầu từ hôm nay”. Hai vợ chồng nghẹn ngào hạnh phúc, còn gia đình và bà con cô bác thì thầm cảm phục cách xử sự có tình, có lí của bộ đội Cụ Hồ.

Mới nghỉ được 3 ngày thì có lệnh của Bộ gửi về: Văn Giang phải có mặt ở đơn vị để tập trung đi dự lớp “Rèn cán, chỉnh quân”1. Đúng là “chưa bén hơi vợ” nhưng đã là người lính thì “có lệnh là đi”, Văn Giang chia tay vợ khoác ba-lô lên đường. Lớp học ở Xoi Mít (Phúc Trìu, Thái Nguyên) do Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng 2 thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Trần Tử Bình trực tiếp chỉ đạo. Sau hơn 1 tháng học tập, thiếu tướng Văn Tiến Dũng - Chủ nhiệm Chính trị cục (tiền thân của Tổng cục Chính trị) đọc quyết định rút Văn Giang từ đơn vị về Chính trị cục. Hiểu được tâm trạng của chàng trai xa vợ mới cưới, tướng Trần Tử Bình đề nghị với Chủ nhiệm: “Văn Giang mới cưới vợ được 3 ngày, do nhiệm vụ nên tập trung đi học ngay. Anh Mậu đã đồng ý cho Văn Giang nghỉ phép 15 ngày. Học xong rồi, đề nghị anh cho Văn Giang nghỉ phép nốt 12 ngày rồi về Cục công tác”. Nghe vậy tướng Dũng cười: “Đang có việc đột xuất cần Văn Giang về ngay. Xong đợt này, tôi sẽ cho Văn Giang đi phép”.

Nhưng rồi công tác dồn dập, việc nối tiếp việc mà 4-5 tháng sau Văn Giang vẫn chưa có lúc nào rảnh để đi phép. Dù bận rộn nhưng trong lòng không vơi nỗi nhớ. Trong một đêm sương giăng kín đầy trời trên vùng rừng núi của chiến khu Việt Bắc, trăng khuyết khi mờ khi tỏ, nghe vẳng đâu đây tiếng chim nhạn làm Văn Giang thêm nhớ người vợ trẻ. Dưới ánh đèn dầu, anh lấy giấy bút ra cặm cụi viết:

Tiếng nhạn đêm sương nghe buồn da diết

Ngọn đèn khuya tha thiết mắt chờ mong

Chày giã gạo bập bùng vừng trăng khuyết

Gió xạc xào cây lá ngẩn ngơ trông


Anh lỡ hẹn mấy tuần trăng không gặp

Đêm đêm nghe con chim nhạn gọi đàn

Anh ao ước biến mình thành chim nhạn

Sai trời mây bay đến đậu bên em

Bài thơ “Chim nhạn” được gửi tới tay người vợ trẻ.

x

Như một vật chứng lịch sử, bài thơ đã theo gia đình suốt 55 năm qua, đã chứng kiến những tháng ngày gian khó của kháng chiến Chín năm, rồi 20 năm đánh Mỹ và những năm tháng xây dựng đất nước thống nhất. Không chỉ viết một bài thơ tình lãng mạn mà tranh thủ những khoảnh khắc ngưng tiếng súng, hay lúc nhàn rỗi trong thời bình, ông vẫn viết. Cho đến đầu năm 2000, tướng Văn Giang sắp xếp lại những bài thơ suốt nửa thế kỷ qua và cho xuất bản tập thơ “Con Tằm” với một ý nguyện giản dị - tặng bè bạn thân hữu và lưu lại cho con cháu.

Trong đám đồng đội cũ, ông bạn Đỗ Văn Phúc2 cũng nhận được một cuốn từ “nhà thơ”. Trái tim người lính già từng thổi ac-mô-ni-ca “địch vận” trên đồi C1 trên chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa thực sự rung động trước hàng chục bài thơ lãng mạn, nhất là bài “Chim nhạn”. Đầu xuân Giáp Thân, với máu nghệ sĩ của người lính, ông lấy giấy bút ra hí hoáy phổ nhạc. Và trong buổi tiệc trà mừng thọ bạn Văn Giang vào tuổi 80, ông đã cùng bác sĩ trẻ Hồng Sơn (con rể “nhà thơ”) song ca tặng vợ chồng Văn Giang ca khúc trữ tình mang hơi ấm nồng nàn của mối tình lãng mạn của anh lính Cụ Hồ cách đây đã hơn nửa thế kỷ.

Thế hệ trẻ chúng tôi thật cảm phục trí tuệ đầy văn hoá của lớp ngừơi đi trước!

Thứ Năm, 5 tháng 2, 2009

CÒN TẾT


Tết SG có nhiều đội lân. Họ thực sự là những "nghệ sĩ đường phố". Theo quan niệm lân đến nhà sẽ mang lại may mắn cho gia chủ, "Lân" có thể múa và leo lên đến đỉnh cột tre đớp lấy những đồng tiền thưởng. Múa lân mang lại sôi động cho không khí tết và tiền thưởng cũng là xứng đáng với công lao động và tài nghệ của họ bỏ ra . Các bạn hãy nghìn đôi bàn chân đen thui của "nghệ sĩ" mới thấy hết sự lam lũ, vất vả của họ.



































Hoa bò cạp nước

Lớp “Rèn cán chỉnh quân” và vụ gián điệp ảo “Hát xăng-vanh-đơ”

Xin trích hồi ức của Thiếu tướng Chuẩn đô đốc Hải quân Trần Văn Giang để chúng ta hiểu thêm những ấu trĩ ban đầu của quân đội.


Tháng 5 năm 1949, Bộ mở lớp “Rèn cán khóa I” (gọi tắt của lớp “Rèn luyện cán bộ” lúc ấy). Hơn 100 cán bộ trung, tiểu đoàn, một số cán bộ quân khu, một số cán bộ tương đương ở các cơ quan Bộ được cử về học. Yêu cầu mỗi học viên chỉ được mang theo một súng trường và một ba-lô (anh em lúc bấy giờ gọi đùa là trường “quan to, súng dài”). Có vài đồng chí từ Nam Bộ, cực Nam Trung Bộ, Bình Trị Thiên và hai đồng chí từ Thượng Lào về dự. Học viên được biên chế thành từng tiểu đội, có tiểu đội trưởng và phó. Ba, bốn tiểu đội thành một trung đội, có đủ trung đội trưởng, trung đội phó và chính trị viên; tất cả nằm trong một đại đội có đại đội trưởng, đại đội phó và chính trị viên.
Lễ khai giảng ngắn gọn, trang nghiêm, rất vui vẻ và ấn tượng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mấy cán bộ trong Bộ Quốc phòng đến dự. Anh Võ Nguyên Giáp tạo cho lễ khai mạc trang nghiêm cái không khí thân vui. Anh nói rất ngắn gọn nhưng rõ ràng về mục đích, ý nghĩa quan trọng của cuộc “Vận động rèn luyện cán bộ, chấn chỉnh quân đội” trước đòi hỏi của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ngày càng gay go quyết liệt. “Bộ yêu cầu nhà trường tích cực rèn luyện cán bộ, đồng thời Bộ cũng yêu cầu các đồng chí cán bộ tích cực tham gia rèn luyện mình”. (Nghe đến đây, chúng tôi vỗ tay hưởng ứng nhiệt tình). Đại tướng lại vui vẻ tiếp lời:
- Thể hiện quyết tâm rèn luyện cán bộ của Bộ, tôi – Võ Nguyên Giáp - sẽ trực tiếp làm Hiệu trưởng kiêm Chính ủy. (Vỗ tay dài). Thiếu tướng Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái làm Hiệu phó. (Vỗ tay dài). Thiếu tướng Trần Tử Bình, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Phó tổng Thanh tra quân đội, làm Phó chính ủy. (Lại vỗ tay dài ).
Đến đây anh Võ Nguyên Giáp vui vẻ hỏi to:
- Rõ chưa ?
Tất cả chúng tôi hoan hô vỗ tay rào rào kèm theo tiếng hô to: “Rõ ạ !”. Anh lại tươi cười hỏi tiếp:
- Được chưa ?
Không ai bảo ai, chúng tôi đứng bật dậy, lại vỗ tay tiếp, kèm theo những tiếng kêu to, hưởng ứng tự đáy lòng:
- Được ạ ! Được ạ ! Được quá ạ !
Chúng tôi phấn khởi thực sự vì cuộc “Rèn cán, chỉnh quân” lúc này cực kỳ là cần thiết ! Đại tướng Võ Nguyên Giáp vô cùng kính yêu trực tiếp làm Hiệu trưởng kiêm Chính ủy ! Còn có ước muốn nào hơn ! Anh Hoàng Văn Thái cánh tay đắc lực của Bộ trưởng làm Hiệu phó: Nhất rồi! Cụ Trần Tử Bình (dạo này chúng tôi bắt đầu chuyển sang cách gọi bằng “cụ” vì trên mép anh để bộ ria đen xì, và anh nhiều tuổi nhất trong các vị tướng) với tấm lòng trìu mến, qua mấy năm làm công tác Tổng Thanh tra anh Bình đã tỏ ra cần-kiệm-liêm-chính, chí công vô tư, thực lòng yêu thương cán bộ, chiến sĩ; nghiêm nghị thẳng thắn chỉ ra cho cán bộ, kể cả cấp quân khu, cấp trung, tiểu đoàn những khuyết điểm tồn tại; đi đôi với thái độ chân tình góp ý cách khắc phục về lẽ sống làm người. Đợi cho tiếng hoan hô vỗ tay, tiếng xì xào trao đổi lắng dịu, anh Võ Nguyên Giáp lại vui vẻ nói tiếp:
- Nhưng cũng phải thẳng thắn công khai với nhau điều này: Ai cũng biết tôi lúc này rất nhiều việc, bên Thường vụ Trung ương, bên Ban Bí thư, bên Chính phủ và hàng ngày cần xem xét tình hình các mặt trận nên nhiều khi cũng phải vắng mặt. (Anh em vỗ tay thông cảm, đồng tình). Anh Thái Tổng Tham mưu trưởng cũng chỉ có thể đi đi về về. (Anh em lại vỗ tay thông cảm). Và để bù lại thì anh Trần Tử Bình, hồi này ngơi tay bên Tổng Thanh tra, sẽ dồn sức vào lớp học này. Anh Bình sẽ cùng ăn,cùng ở, cùng làm việc hàng ngày với các đồng chí… Được chưa ?
Anh em chúng tôi lại vỗ tay rào rào. Có tiếng kêu to:
- Được ạ ! Được ạ ! Hoan hô Phó Chính ủy Trần Tử Bình !
Tiếng hoan hô vỗ tay kéo dài hơn bình thường, một phần vì anh em hoan hô động viên anh Bình, cũng có phần do anh em yêu mến và chẳng mấy khi được sống chung với “cụ” Phó tổng Thanh tra có tiếng là nghiêm trang, mẫu mực. Hòa với niềm vui của anh em, anh Bình phấn khởi đứng dậy, giơ hai tay lên vỗ mạnh như một sự hưởng ứng chung vui, lại cũng như một sự hứa hẹn sẽ làm tròn nhiệm vụ cùng ăn ở, sinh hoạt, cùng làm việc
với chúng tôi.
Trưa hôm ấy ăn cơm về, mấy ông mãnh ở trung đội tôi lại tiếp tục trao đổi về cụ Bình. Họ kháo nhau thế này:
- Lớp “Rèn cán” mà cụ Bình lao vào thường trực, sát sườn với chúng ta thế này là “Hắc xì dầu” lắm đấy ! Thằng nào láng cháng hay tự do vô kỷ luật là cứ liệu hồn ! Chết với cụ ấy !
- Tại cụ làm công tác Tổng Thanh tra nên thằng nào có tật,thằng ấy giật mình ! Chứ… tao biết tính cụ… hiền khô à !
- Tao nghe người ta kể ngày xưa Trần Tử Bình “học trường phree”, nghĩa là đã học trường thầy dòng của đạo Gia tô; được giác ngộ, Trần Tử Bình đi theo Cách mạng và thành đảng viên Cộng sản. Đảng mình cũng ghê thật! Kéo được cả thầy tu đi làm cách mạng rồi đào tạo thành cấp tướng trong quân đội. Đấy dấu vết còn để lại là nét mặt và con người khắc khổ, mẫu mực…
- Ông anh tớ kể từ hàng chục năm trước, cụ đã lãnh đạo hơn năm nghìn công nhân đồn điền cao su Phú Riềng nổi dậy, chống áp bức, bóc lột. Rồi ngồi tù Côn Đảo, Hoả Lò. Ghê thật! Nom cụ thế mà kiên cường đáo để !
Ngay chiều hôm ấy trong giờ thể thao, tôi đang đi bộ dọc ngang sân tập thì có tiếng gọi:
- Văn Giang ! Văn Giang đấy phải không ?
Tôi quay sang phía tiếng gọi đã thấy “cụ” Bình xăm xăm bước lại. Cụ vui vẻ bắt tay tôi và xởi lởi hỏi :
- Tôi biết anh có tên trong danh sách khóa này, sáng nay có ý nhìn mà không thấy. Có khỏe không ? Vụ “Hát xăng-vanh-đơ”1 các anh giải quyết hậu quả tích cực lam phải không ?
Tôi mừng vì đã lâu không gặp mà anh vẫn nhớ tên và nhận ra tôi. Nhưng tôi lại cảm thấy không vui nghe anh nhắc đến câu chuyện đau thương H122 ấy.
- Thưa anh, trung đoàn M21 giải quyết rất tích cực. Về cơ bản đã tạm ổn nhưng hậu quả về tinh thần, tình cảm trong anh em phải có thời gian dài dài mới nguôi ngoai được, anh ạ. Ở bên Tổng Thanh tra chắc anh cũng được báo cáo chuyện này ?
- Chuyện H122 sau này vỡ lở to ra, anh Trần Đăng Ninh2 phải trực tiếp chỉ đạo bên công an nhảy vào cuộc. Tôi có nghe anh Trần Đăng Ninh nhắc đến và anh Phạm Ngọc Mậu3 trong báo cáo cũng nhắc đến Văn Giang góp công tích cực trong vụ này.
Tôi nhìn thẳng vào mắt anh Bình, hỏi:
- Chuyện H122 là sai lầm từ Quân khu đến hai trung đoàn B6 và M21, gây tổn thất đáng kể về cán bộ, chiến sỹ và nhân dân. Là Phó bí thư Trung đoàn ủy M21, tôi cũng có phần trách nhiệm. Sao anh lại nói “góp công sức tích cực” làm gì cho tôi thêm xấu hổ?
Anh Bình cầm tay, kéo tôi đi theo và giải thích:
- Văn Giang này, có hai chuyện khác nhau trong việc này: Một là thực dân Pháp cáo già, gian ngoan xảo quyệt, nó đánh lừa ta. Còn ta thì quá ngây thơ, ấu trĩ nên đã bị tổn thương. Qua chuyện này chúng ta cũng được bài học phải vững vàng, tỉnh táo và rất bình tĩnh xem xét mọi việc. Bài học phải trả giá quá đau đớn nhưng cũng là bài
học quý giá giúp chúng ta già dặn, trưởng thành, khôn ngoan hơn chứ! Hai là chuyện nào đi chuyện ấy. Đầu mối là mấy cậu bộ đội quân báo TD vừa dại dột, hoang tưởng lại vô trách nhiệm. Anh Trần Đăng Ninh đã chỉ rõ. Hai đơn vị B6 và M21 thì bị động chấp hành “quá hăng hái nhiệt tình đánh địch” đến thành mù quáng, tự gây tổn thất cho mình. Điều này thì anh Ninh cũng đã kết luận rồi. Anh Phạm Ngọc Mậu báo cáo trong quá trình diễn biến chính anh Mậu cũng không được tỉnh táo lắm. Văn Giang có đề xuất mấy lần “nghiên cứu lại” các đối tượng và các bản cung có nhiều mâu thuẫn nhưng anh Mậu không nghe. Cho đến hôm anh Trần Đăng Ninh về, Văn Giang lại đề xuất ý kiến lần nữa và có xin vào trại giam để gặp riêng một số đối tượng. Sau đó báo cáo lại chuyện cán bộ đánh “phạm nhân” đồng thời mớm cung gò theo ý kiến mình. Số anh em bị bắt sợ đòn đau đã báo cáo bậy thế nào cho anh Ninh nghe. Anh Mậu lại còn nói: khi vấn đề đã được kết luận là anh em mình bị oan sai, Văn Giang còn xin anh Mậu nhận bảy, tám cán bộ từ trại giam về Ban Chính trị M21, nơi Văn Giang công tác. Chuyện này rõ ràng là thái độ dũng cảm và đầy trách nhiệm của Văn Giang đối với số đồng chí mình bị oan ức.
Đáng khen lắm chứ !
Tôi ngạc nhiên không ngờ anh nắm rất chắc và đánh giá rất đúng về vấn đề Quân khu và hai trung đoàn trong vụ H122 này. Đó là những nhận xét ngắn gọn và rõ ràng mà bấy lâu tôi vẫn chờ đợi từ Quân khu. Những nhận xét của anh về tôi cũng làm tôi thấy vui.
Câu chuyện đến đây thì có đồng chí ở Hiệu bộ ra tìm. Anh vội vã bắt tay tôi rồi hấp tấp bước đi. Tôi ở lại trong tâm trạng thân thương và thoải mái.

--------------------------------------------
1 H122 là tên gián điệp “ảo” do Pháp cố tình “lộ” cho ta biết là đã cài được H122 vào nội bộ quân đội ta. Bị mắc lừa địch, ta đã nghi oan và bắt giam
một số cán bộ của đơn vị M21 và B6.
2 Trần Đăng Ninh là Uỷ viên Trung ương Đảng, rất có uy tín. Mỗi khi có việc quan trọng, anh Ninh lại được phân công vào nghiên cứu, chỉ đạo
giải quyết.
3 Phạm Ngọc Mậu, nguyên Khu phó Quân khu II, phái viên chính trị Quân khu I, sau về làm Chính ủy Trung đoàn M21.