Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2008

BA MƯƠI PHÚT TIẾP KIẾN ĐẠI TƯỚNG

Nhân kỷ niệm lần thứ 97 của Võ Đại tướng, xin post lại kỷ niệm với ông nhân 40 năm Trường Trỗi.

Sắp đến ngày Hội trường, Ban Liên lạc phía Nam được báo: Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận lời đến dự họp mặt ở Hà Nội. Trong lễ kỷ niệm tại thành phố Hồ Chí Minh, sáng 8 tháng 10, khi ban tổ chức thông báo tin này, cả hội trường vỗ tay rần rần. Vậy là bác vẫn dõi theo từng bước trưởng thành của anh em ta.
Sáng hôm sau, chúng tôi (Dương Minh, Hồ Bá Đạt, Dương Đức Hải, Hồng Hà, Kiến Quốc…) từ miền Nam bay ra, có mặt tại Trung tâm Báo chí quốc tế - 11 Lê Hồng Phong. Thầy trò, bạn bè bao năm mới gặp nhau. Mừng vui khôn xiết. Thật tiếc hôm đó bác Văn không đến vì được mời dự lễ hội “995 năm - Thăng Long, Hà Nội”. Vợ bác, cô Đặng Bích Hà, thay mặt đến dự. Với thầy, trò trường Trỗi, nhất là khách từ Quế Lâm sang, thì đây là một hạnh phúc! Cuối buổi lễ, chúng tôi quây quần bên cô chụp ảnh kỉ niệm. Tối hôm đó, đang dự tiệc đáp lễ của trường Y Trung, Võ Hạnh Phúc điện thoại báo tin: “ông già” đồng ý cho anh em Trỗi tiếp kiến vào sáng mai.
Gần 10 rưỡi sáng, anh em tập trung ở cổng 30 Hoàng Diệu. Hùng Thanh ghé tai tôi: “Ông thay mặt anh em phát biểu!”. “Nhưng tôi khoá 5?”. ”Ông ở Ban Liên lạc trường, lại từ miền Nam ra. Anh em nhất trí tiến cử ơng!”. Chỉ mấy câu ngắn gọn, tôi hiểu đây không chỉ là vinh dự mà còn là một mệnh lệnh vì được thay mặt toàn trường báo cáo với Đại tướng. Toàn bộ nội dung tuy đã sẵn trong đầu nhưng phải tóm gọn lại vì không cho phép nói dài, ảnh hưởng tới sức khỏe của bác.
Chúng tôi được mời vào phòng tiếp khách. Trong văn phòng Đại tướng thấy ảnh, trướng treo kín bốn bức tường. Dương Minh Đức mời đại tá Trịnh Nguyên Huân cùng dự. Hạnh Phúc chạy đi chạy lại rồi vào thông báo: “Ông già cẩn thận hỏi ai phát biểu chính. Tớ bảo Kiến Quốc, con bác Trần Tử Bình. Cụ gật đầu. Khi bác Văn và cô Hà bước vào, chúng tôi cùng đứng dậy. Châu Nguyên, Dương Minh ôm hai bó hoa ra tặng. Bác nhận hoa, cảm ơn rồi mời mọi người cùng ngồi. Tôi được xếp ngồi cạnh bác. Khi đã ổn định, tôi đứng lên xin phép bắt đầu:
- Kính thưa bác Võ Nguyên Giáp và cô Hà! Thay mặt cho thầy, trò trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, cháu xin cám ơn bác và cô đã dành cho chúng cháu chút ít thời gian để có buổi gặp mặt quý báu này! Chúng cháu - những học sinh chuyên Toán khóa 4 và 5, cùng với Võ Hạnh Phúc, thay mặt toàn trường, chúc cô và bác mạnh khỏe, sống lâu!
Thưa bác, ngày 15 tháng 10 năm nay, trường Nguyễn Văn Trỗi kỉ niệm 40 năm truyền thống. Sáng hôm qua, thầy, trò toàn trường cùng đại biểu phụ huynh học sinh, gia đình liệt sĩ, đại diện xã Mỹ Yên, Đại Từ và cả các thầy, bạn từ Quế Lâm (Trung Quốc) đã về Hà Nội, dự Ngày hội trường. Trong 5 năm, từ 1965 đến 1970, nhà trường với hơn 200 thầy, cô giáo đã đào tạo 8 khóa với gần 1.200 học sinh. Bốn mươi năm qua, được sự giáo dục, rèn luyện của quân đội, của nhà trường, có hơn 800 bạn trở thành sĩ quan quân đội, gần 1.000 bạn có trình độ đại học và trên đại học, trên 100 bạn có học vị tiến sĩ. Hiện nay, hàng trăm học sinh của nhà trường là cán bộ cao cấp trong quân đội, nhiều người làm công tác nghiên cứu trong các học viện, nhà trường, nhiều bạn đảm đương những nhiệm vụ trọng trách trong bộ máy quản lí trong và ngoài quân đội, như Thiếu tướng Nguyễn Chiến, Thứ trưởng Trần Chiến Thắng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Phó ban Nội chính Trung ương Dương Thành Bắc, Cục trưởng Cục Đầu tư Bùi Vinh, Cục phó Cục Kinh tế Phùng Thế Quảng, v.v…
- Thế đồng chí quên chưa báo cáo về mình? – Bác quay sang hỏi tôi.
(Nghe bác hỏi, đứa nào trong chúng tôi đều cảm phục vị tướng già, chỉ còn vài năm nữa là tròn 100 tuổi, vậy mà sáng suốt lạ thường!).
- Báo cáo bác, cháu và nhiều bạn ở đây là học trò của thầy Trịnh Nguyên Huân ở Đại học Kỹ thuật quân sự. (Tôi chỉ tay về phía anh Huân). Sau khi ra trường, cháu được giữ lại làm giáo viên 15 năm. Đến năm 1990 thì chuyển ngành ra Hội Tin học. Hiện nay là chủ doanh nghiệp may mặc xuất khẩu ở thành phố Hồ Chí Minh với trên 1000 công nhân.
- Thế doanh số xuất khẩu bao nhiêu? Xuất đi đâu?
- Dạ, mỗi năm trên 200 tỷ và xuất sang Mỹ, EU, Nhật bản, Hàn Quốc ạ. Thưa bác, chúng cháu rất tự hào với truyền thống cách mạng của gia đình, của cha mẹ và luôn dạy cho con cháu truyền thống đó. Chúng cháu kiên quyết đi theo con đường của bác, của cô Hà và của cha mẹ đã đi.
- Như vậy là tốt! Các cháu nên nhớ dân tộc ta đã anh hùng trong bảo vệ Tổ quốc nhưng nếu để cho đất nước nghèo nàn, lạc hậu là có tội, là một nỗi nhục lớn. Bây giờ đến ai phát biểu? – Bác chỉ Châu Nguyên, con bác Trần Đăng Ninh, ngồi cạnh cô Hà - Phải ưu tiên cho con gái, Châu Nguyên có ý kiến gì nào?
Châu Nguyên đứng lên, xúc động nói:
- Kính thưa bác Văn, thưa cô Hà, gia đình cháu luôn không quên sự quan tâm và tình cảm của cô, bác dành cho… (Châu Nguyên lau nước mắt). Những năm tháng được học tập dưới mái trường Văn hoá quân đội, được các thầy, cô giáo tận tình chăm sóc, dạy dỗ, chúng cháu đã trưởng thành. Bốn mươi năm qua, đứa nào cũng giữ được bản chất tốt đẹp của cha mẹ - thẳng thắn, trung thực, không có bạn nào dính vào tham nhũng, tham ô, không có ai mua quan bán chức.
- Rất tốt! – Đại tướng ngợi khen.
Biết chúng tôi không quên công ơn của nhân dân Trung Quốc, của thành phố Quế Lâm dành cho nhà trường những năm sáu bảy, sáu tám; và hiện nay vẫn duy trì quan hệ tốt với thầy, trò trường Y Trung theo đường lối “ngoại giao nhân dân”, bác gật đầu: “Vậy các cháu biết sống nghĩa tình, có trước có sau!”. Nhân tiện cô Hà còn nhắc lại chuyện cũ: “Ngày mới tổ chức nhà trường, cũng có ý kiến cho là Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng nuông chiều con cái cán bộ. Cô có ba đứa là học sinh nhà trường nghe nói vậy cũng dao động, định xin cho con về. Qua bốn mươi năm, các cháu được đào tạo và trưởng thành đã chứng minh: quyết định ngày ấy là hoàn toàn đúng!”. Cô vừa dừng lời, tôi đứng lên: “Báo cáo bác và cô, chúng cháu rất tự hào vì trường Nguyễn Văn Trỗi có hai thầy giáo và 27 học sinh đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ Tổ quốc. Tại sao lại nói con cái cán bộ chỉ trốn tránh nghĩa vụ, không dám ra trận? (Chợt nhớ tới phải tặng bác cuốn sách, tôi cầm lên, trao cho bác)... Thưa bác, Phan Đình Nhân đã biếu bác cuốn “Sinh ra trong khói lửa” tập II. Đó là quà của Ban Liên lạc nhà trường. Còn đây là quà của Ban biên tập biếu bác. Tác phẩm này được thầy, trò chúng cháu làm từ A đến Z”. Cụ hóm hỉnh ngắt lời:
- Vậy tập I đâu?
- Thưa bác, cháu và anh Kháng Chiến đã đến thăm và tặng bác tập I vào dịp Tết năm 2002 ạ. (Tôi chỉ vào trang bìa có hình ảnh người chiến sĩ đang đưa tay lên vành mũ chào). Đây là liệt sĩ Lê Minh Tân - con chú Lê Bưởi, đại tá, lính của bác ở Bộ Tổng tham mưu. Trước khi ra mặt trận, anh có một lời thề “Vào Đảng mới viết thư về nhà!”. Anh đã giữ đúng lời thề đó. Viết xong lá thư đầu tiên (và cũng là lá thư cuối cùng) vừa đúng sáu ngày thì anh hy sinh…
Bác lặng đi một lúc rồi quay sang viên sĩ quan cận vệ: “Lấy cho tôi cuốn “Điện Biên Phủ”, xuất bản năm 2004, để tặng nhà trường!”. Viên sĩ quan mở trang đầu, trao bút cho Đại tướng, nói:
- Dạ, xin anh viết “Thân tặng Trường…”.
Vừa nghe anh ta nói, tôi liền nheo mắt. Cái anh chàng này trẻ măng, bằng tuổi cháu mình, “mới nứt mắt” mà dám gọi cụ là “anh”? Còn bác thì thoải mái phóng bút. Chữ cụ vẫn rất đẹp. Lúc bác viết, cô Hà mời: “Các cháu cứ tự nhiên tâm sự, như họp mặt gia đình ấy mà! Ngồi nói cũng được”. Hồ Chương vẻ mặt suy tư, lúc ấy mới mạnh dạn:
- Thưa bác, thưa cô! Cháu là Hồ Chương. Chưa được trực tiếp nói chuyện với bác lần nào nhưng cháu cũng đã nhiều lần được đón bác xuống thăm Viện Kỹ thuật quân sự. Bố cháu là Xuân Thiêm, trước công tác ở Tạp chí Văn nghệ quân đội…
Vừa nghe đến tên bố của Hồ Chương, cô Hà nói:
- Bố cháu là nhà thơ, nhà thơ Xuân Thiêm. Cô biết. Cô sẽ gửi tặng bố cháu cuốn Hồi ký của ông Đặng Thai Mai. Nay bố cháu sống ở đâu?
- Dạ, bố cháu nghỉ hưu ở Hưng Yên ạ.
Nhận ra sự có mặt của nghệ sĩ ưu tú, đại tá Dương Minh Đức, phu nhân Đại tướng vui vẻ hỏi:
- Cô nhớ cháu là “giọng ca vàng”, có đúng không?
- Dạ, đúng ạ – Đức trả lời - nhưng đã lâu rồi. Thỉnh thoảng cháu vẫn đi biểu diễn. Hiện nay thì vừa dạy học vừa làm công tác quản lí.
- Cháu hãy báo cáo về công việc của nhà trường cho bác Văn nghe!
- Thưa bác Văn, về trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật quân đội, bác đã biết. Cháu chỉ xin báo cáo một công việc điển hình: Vừa qua, nhà trường đã xin được kinh phí của Bộ Quốc phòng, đào tạo miễn phí con em các dân tộc Tây Nguyên. Vụ “nhà nước Đề-ga” năm nào là bài học đau xót vì chúng ta không nắm được dân. Chúng cháu quan niệm muốn nắm được dân phải thông qua văn hoá, mà chính các em được quân đội đào tạo sẽ là những người nòng cốt. Cháu xin báo với bác một tin vui, nhân dịp 60 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng 2 tháng 9, 120 em học sinh (trong đó có 80 em người dân tộc Tây Nguyên) đã biểu diễn thành công tại Nhà hát lớn Hà Nội vở ca kịch “Đất nước đứng lên”, phỏng theo tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyên Ngọc, do nhạc sĩ An Thuyên cùng tập thể giáo viên nhà trường dàn dựng.
- Tốt! Các cháu làm được nhiều việc tốt! – Đại tướng vui ra mặt - Nhưng không chỉ làm tốt, các cháu phải dũng cảm, dám đấu tranh với cái xấu, phải dám nói các chính kiến của mình trong các diễn đàn, hội nghị.
Trong khi bác đang nói, tôi nghe thấy chàng sĩ quan cận vệ ghé tai cô Hà, nói nhỏ: “Chị viết tặng sách xong để còn kết thúc. Anh phải nghỉ một lát rồi còn làm việc với anh Huyên!”. Lúc đó tôi mới hiểu: À, ra các đồng chí trong Văn phòng Đại tướng luôn gọi bác là “anh Văn” để tạo cho bác một tâm lí – “còn rất trẻ”. Cũng là một liều thuốc bổ! Đúng lúc đó Hạnh Phúc ghé tai tôi, thì thầm: “Văn Công Phước muốn phát biểu. Cậu giới thiệu đi!”. (Chơi với Hạnh Phúc từ ngày còn bé vì hai nhà sát gần nhau. Trước khi lên trường Trỗi còn cùng sơ tán lên cơ quan Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc ở Vĩnh Yên, chỗ chú Kim Ngọc. Nay thấy bạn xử sự đầy kinh nghiệm, tôi rất phục). Chờ cho cô Hà viết xong, tôi đứng lên, thưa:
- Thưa bác, thưa cô, cuộc gặp gỡ cũng đã dài, sợ bác mệt. Nay bạn Văn Công Phước xin có lời kết thúc!
Phước trịnh trọng đứng lên:
- Kính thưa bác Võ Nguyên Giáp, cháu là Văn Công Phước - đại tá, bác sĩ, từng công tác ở Viện quân y 175. Nay được Bộ Y tế tin tưởng giao nhiệm vụ mới, giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ. Ở địa bàn miền Tây Nam bộ, bà con ta có nhiều đóng góp cho cách mạng trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Chiến tranh đã kết thúc 30 năm nhưng cuộc sống của bà con còn rất nhiều thiếu thốn, nhất là vấn đề chăm sóc sức khỏe. Với chúng cháu công việc mới chỉ là bắt đầu, nhưng xin hứa với bác mang theo tinh thần của học sinh trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, chúng cháu sẽ quyết tâm xây dựng bệnh viện trở thành một trung tâm y tế mạnh ở vùng sâu vùng xa. Cuối cùng, cháu xin kính chúc bác, cô và gia đình thật mạnh khoẻ, hạnh phúc!
Phước vừa phát biểu xong, chúng tôi vỗ tay và chạy lên vây quanh bác. Bác giục: “Bác cháu ta tranh thủ chụp mấy tấm ảnh kỷ niệm để còn làm việc khác!”. Cô Hà và bác Văn như cha như mẹ ngồi giữa, còn chúng tôi như bầy con ríu rít xung quanh. Xong xuôi, từng đứa lên nắm chặt tay, chào bác. (Thật ra ai cũng muốn nấn ná kéo dài thời gian để được trò chuyện với Đại tướng, nhưng là người lính, chúng tôi hiểu thế nào là “giới hạn cho phép”…).
Buổi viếng thăm Đại tướng - lão đồng chí mà tên tuổi lẫy lừng năm châu bốn biển, thật bình dị, dân dã, ấp áp tình cha con, tình đồng chí, đồng đội. Hiếm có một buổi gặp gỡ nào cảm động hơn thế!
Vừa ra tới cửa đã thấy đại tá Nguyễn Huyên, mang theo tài liệu, bước vào. Tôi thầm nghĩ, sức làm việc của Đại tướng quả là phi thường!

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Rất cám ơn anh KQ và các ACE trường Trỗi có mặt và được gặp Đại tướng trong ngày này.
Mặc dù thời điểm đã qua, nhưng vì ý nghĩa sâu sắc của bài viết, em vẫn đề nghị anh KQ post sớm bài này lên Trang BANTROI để nhiều người được biết và suy ngẫm.Trang này ít người đọc quá.