Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2007

MÓN QUÀ ĐẶC BIỆT NGÀY NHÀ GIÁO

Ghi theo lời kể của cô Phạm Thị Thục và chị Phan Thị Quyên

Chuyện cách nay vừa tròn 2 năm. Nhân ngày Nhà giáo năm ấy, Võ Hạnh Phúc gửi cho tôi số tiền không nhỏ rồi nhắn: “Chả mấy khi có dịp tri ân thầy, cô giáo cũ. Cậu cầm số tiền này lo vé máy bay cho vợ chồng cô Thục và chị Quyên ra chơi Hà Nội”. Cùng dịp đó, chị Quyên được Báo Người Lao động mời ra dự trao học bổng Nguyễn Văn Trỗi cho các em học sinh học nghề. Một trong ý định dịp này là mời cô chú cùng chị Quyên lại thăm bác Giáp. Nhưng sức khỏe bác đã yếu, việc thăm viếng bị quản lí rất chặt. Khi lên kế hoạch, Phúc đã nói: “Yên tâm, việc này khỏi qua văn phòng. Coi như mẹ tớ mời mọi người lại thăm gia đình. Như vậy sẽ đơn giản hơn nhiều”.

Sáng 19/11/2005, trời se lạnh. Khi cô Thục, chú Bút và chị Quyên đến 30 Hoàng Diệu thì thầy Chi Phan cùng cánh C11 (chị Hoàng Lương Hoà k2, Trần Châu Nguyên k4, Hạ Thanh Xuyên k5) cũng vừa có mặt. Thầy cô và chị em C11 được cô Hà và Hạnh Phúc mời vào phòng khách. Bên trong là những giá với nhiều sách quý cùng nhiều tranh, tượng kỉ niệm. Trong không gian ấm cúng, chủ, khách lâu ngày mới gặp nhau, chuyện trò ríu rít. Thật vui vì cô Thục từng là sinh viên Khoa Sử của mẹ Hạnh Phúc, nay cô lại gặp môt lô học sinh cũ ở C11.

Khi bác Văn từ trên gác đi xuống thì tất cả cùng đứng dậy, ra đón. Chị Quyên mang bó hoa tươi thắm đủ sắc màu, nào là màu đỏ của lay-ơn, màu cam của những bông đồng tiền, màu vàng của cúc đại đóa… lại tặng bác. Bác Văn lần lượt bắt tay từng người rồi mời cùng ngồi xuống. Cô Thục cảm động đứng lên, có lời: “Thưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp…”. Vừa nói đến đây bác Văn liền ngắt: “Khỏi gọi “Đại tướng” làm gì! Toàn người nhà cả mà”. Cô lẽn bẽn cười rồi tiếp: "… Thưa thầy Văn, thưa cô giáo Đặng Bích Hà, nhân Ngày Nhà giáo VN năm nay, vợ chồng em cùng chị Phan Thị Quyên, vợ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, ở miền Nam được các em học sinh Trường Nguyễn Văn Trỗi tổ chức cho ra thăm Hà Nội. Ngày mai là 20/11, chúng em đến thăm thầy và cô. Thay mặt thầy trò các thế hệ, em xin kính chúc thầy, cô thật mạnh khỏe!". Cô Hà chen vào:

- Anh Văn có biết không, cô Thục là sinh viên của em đấy.

- Thế à? - Bác Văn mỉm cười rồi lần lượt hỏi thăm từng người -... Thật vui và cảm động vì hôm nay tôi được gặp lại con cháu của đồng chí, đồng đội cũ – các anh Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh, Hoàng Anh, rồi gặp cả thầy cô giáo dạy con chúng tôi ở Trường Văn hoá quân đội Nguyễn Văn Trỗi. Đã mấy chục năm rồi, con cháu chúng tôi đã trưởng thành. Công ơn ấy có một phần nhờ sự dạy dỗ của các thầy, cô. Nhân dịp này tôi cũng xin cảm ơn cô Thục và thầy Chi Phan cùng các thầy cô ở Trường Trỗi! Thế... thầy Chi Phan còn làm ở Truyền hình quân đội không?

- Báo cáo Đại tướng, tôi đã nghỉ hưu và về làm ở Báo Cựu Chiến binh ạ. Bao nhiêu năm nay, thầy trò Trường Trỗi chúng tôi vẫn gắn bó bên nhau.

- Thế còn đồng chí Bút thì sao? Tôi nhớ đồng chí làm công tác dinh dưỡng trong quân đội.

- Vâng, thưa Đại tướng! – Chú Bút đáp lời. – Nay tôi nghỉ hưu trong TpHCM nhưng vẫn tham gia bài vở cho các báo về dinh dưỡng.

- Vấn đề dinh dưỡng rất quan trọng với đời sống con người. Thế là tốt! – Đại tướng khen.

Cuộc trò chuyện thật ấm áp tình người, tình đồng đội, tình bác - cháu, tình của thủ trưởng với chiến sĩ. Chị Quyên vui nhất vì lâu lắm mới được ngồi cạnh bác Văn. Chị nắm chặt đôi bàn tay bác trong tay mình như người con lâu lắm mới được về gặp cha. Chị như được sưởi ấm lên trong vòng tay bác. Hạnh phúc này lớn quá. Bác chuyện trò hỏi thăm tình hình gia đình anh Trỗi và ba mẹ chị. Bác vui khi biết chị và anh Dũng có 2 cháu Việt, Nga đều đã trưởng thành.

Cũng không dám ngồi lâu, sợ bác mệt. Cô Thục đứng lên xin phép ra về. Bác Văn giục Hữu Thành chụp cho mọi người mấy pô làm kỷ niệm. Bác ôm lấy chị Quyên và nói to với mọi người:

- Trong cuộc kháng chiến giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, nhiều gia đình đã phải mất mát, hy sinh, trong đó có gia đình cháu Quyên. Chúng ta không được phép quên đi những hy sinh, mất mát ấy. Thế hệ ngày nay phải làm sao cho đất nước ngày càng phồn vinh, để đền đáp lại những hy sinh, mất mát này.

Rồi bác bắt tay từng người. Chủ, khách bịn rịn, không ai muốn chia tay…

Sài Gòn 20/11/2005

Không có nhận xét nào: