CHUYỆN TƯỚNG LĨNH ĐI HỌC
Đại tướng Văn Tiến Dũng - người bạn thân thiết của cha tôi từ thời kỳ bí mật. Cả hai cùng tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ. Sau này chúng tôi thường qua lại. Một lần đến thăm, chúng tôi có hỏi khi đi làm cách mạng có bao giờ ông nghĩ sẽ làm đến cấp tướng, mà là Đại tướng? Ông cười hết sức hồn nhiên:
- Làm cách mạng có bao giờ nghĩ sau này làm vương làm tướng. Hồi kháng chiến 9 năm, được Đảng giao nhiệm vụ, mỗi lần công việc đến tay cứ thế mà nhận, mà làm. Mà nếu không hoàn thành chắc chắn sẽ có người khác thay. Rồi đâu cũng vào đấy. Cứ làm rồi tự mày mò, tự học hỏi, kinh nghiệm dần được tích lũy, dần trưởng thành. Đầu năm 1948, quân đội có đợt phong tướng đầu tiên[1] do Bác Hồ kí sắc lệnh.
- Như vậy khi được phong hàm, thế hệ tướng lĩnh đầu tiên chưa hề qua trường lớp quân sự nào?
- Thật ra số tướng lĩnh ngày ấy hầu hết chưa qua trường lớp chính quy, trừ các anh Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng đã học ở Trường Quân sự Hoàng Phố (1925-26) và Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái được Bác Hồ gửi sang Quảng Tây học Trường Quân sự ở của Quốc dân đảng (thời kì Quốc-Cộng hợp tác chống Nhật) cùng khóa với các anh Hoàng Minh Thảo, Vũ Lập, Lê Quảng Ba… Chú được Trung ương triệu tập lên Thái nguyên dự một lớp huấn luyện quân sự trong 10 ngày, do anh Trương Văn Lĩnh (Lệnh) cựu học viên Hòang Phố lên lớp. Cụ Hòang Quốc Việt phụ trách chung , học viên khỏang 10 người, trong đó có đồng chí Nguyễn Quyết. Những kiến thức quân sự được học đối với thế hệ các chú rất mới, nhưng rất giản dị, dễ nhớ. Các lớp huấn luyện quân sự thời kỳ 1941-1944 được tổ chức để chuẩn bị cho đấu tranh vũ trang giành độc lập vào năm 1945.
Các nhà tù thời kì bí mật, như Sơn La, Côn Đảo... cũng là những trường đại học lớn. Các đồng chí trí thức cách mạng từng du học ở Pháp, Nga về truyền đạt lí luận cách mạng cho anh em tù chính trị qua các lớp học tổ chức ngay trong tù.
Vì thiếu kiến thức cơ bản nên khi nhận trọng trách chỉ huy bộ đội, trước một trận đánh, anh em phải bàn bạc phương án tác chiến rất kĩ, lúc ra trận cứ thế mà đánh, đánh xong lại rút kinh nghiệm… Như vậy học qua thực tế là chính. Trước thì tiêu diệt đồn nhỏ, sau tiêu diệt cấp đại đội rồi tiểu đoàn, trung đoàn, lớn hơn là cấp chiến dịch. Kinh nghịêm dần được tích luỹ bằng máu. Từ sau Chiến dịch biên giới 1950, ta có thêm kinh nghiệm chiến đấu của quân đội cách mạng Trung Quốc .
- Thế sau này thì sao?
- Sau kháng chiến chống Pháp, hòa bình trên miền Bắc, tướng lĩnh cấp chiến lược mới được đi học các học viện ở Liên Xô, Trung Quốc. Chú còn nhớ cùng đi học chương trình Chỉ huy Tổng hành dinh (Gen-staff) ở Học viện Bộ Tổng tham mưu mang tên Vô-rô-si-lốp có Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các anh Trần Văn Trà, Lê Trọng Tấn, Lê Quang Đạo, Hoàng Minh Thảo, Trần Độ… Khóa học trong 2 năm 1960-1961, nhưng chỉ học từ tháng 3 đến tháng 9 (để tránh rét) rồi lại về nước công tác. Do chương trình ngắn và đào tạo cấp tốc nên học qua phiên dịch. Có cái hay là tướng lĩnh ta rất giỏi tiếng Pháp nên có thể trao đổi trực tiếp với giáo sư qua tiếng Pháp. Hơn nữa, tướng lĩnh ta có kinh nghiệm thực tế nên khi học được đánh giá cao. Và phải nói các thầy rất giỏi, sau này khi trở về nước, nhiều tướng lĩnh thấy những bài học giả định ở trường rất sát với thực tế chiến trường và áp dụng có hiệu quả.
Khi bước vào cuộc chiến tranh chống Mỹ cùng kinh nghiệm tích lũy trong kháng chiến chống Pháp, chúng ta có thêm tri thức khoa học quân sự của Liên Xô, Trung Quốc nên các tướng lĩnh Việt Nam bước vào cuộc chiến tranh với một quyết tâm cao. Sau 30 năm kháng chiến truờng kì, chúng ta đã chiến thắng, Khoa học quân sự Việt Nam đã chiến thắng!
[1] Gồm 9 thiếu tướng: Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Trần Tử Bình, Lê Hiến Mai, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Văn Thái, Văn Tiến Dũng cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Nguyễn Bình.
Kiến Quốc
Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi
Nhạc và lời: Hồng Tuyến
Thứ Tư, 25 tháng 7, 2007
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét