Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2007

NHÂN NGÀY 27 THÁNG 7


TIN MỚI NHẤT VỀ LS Y HÒA

Tuần trước, Lê Trường Giang cùng anh em Trỗi k7 (Lê Toàn Thịnh, Nguyễn Việt Triều) và mấy bạn nữ lên Tây Ninh thăm Đại tá Tăng Thanh Bình, bạn học cũ lớp 9G, 10G Chu Văn An (Hà Nội), nguyên Tỉnh đội phó Tây Ninh. Bạn bè gặp nhau vui vẻ nhưng ai cũng nhắc tới các bạn học cũ đã anh dũng hy sinh. Thật không ngờ Tăng Thanh Bình lại chính là người lính cùng chiến đấu với Y Hòa và Chấn Hưng ở chiến trường Quảng Trị. Vốn là dân sĩ quan tham mưu, anh còn lưu giữ tấm bản đồ chiến trường với tỷ lệ 1/50.000, trên đó ghi lại vị trí chôn cất Y Hoà và Chấn Hưng. Vậy Tăng Thanh Bình chính là nhân chứng sống về những cái chết của bạn chúng ta.
Biết Y Hoà là 1 trong 12 LS của ta mộ còn khuyết danh, Trường Giang dùng ngay điện thoại chụp 3 kiểu của tấm bản đồ. Trước khi đi công tác, Giang mail cho tôi thông tin quý báu này. Cảm ơn Giang rồi tôi điện thoại vào số máy 0913652333 cho Tăng Thanh Bình:
- Alô, anh là Tăng Thanh Bình? Tôi ở Ban Liên lạc Trường Nguyễn Văn…
- Vậy anh là… Kiến Quốc?... Cách đây mấy năm, đọc Tuổi Trẻ có bài anh viết cùng lá thư từ chiến trường của Y Hoà, tôi rất xúc động. Từ ngày đó cứ mong tìm gặp anh...
Và câu chuyện được bắt đầu: “Y Hoà là bạn chiến đấu của tôi nhưng là lính bộ binh thuộc D8, E209, F312 (sư đoàn từ Lào kéo về), còn tôi là lính 12,7mm phòng không C16 trực thuộc D8. Tôi, Hoà, Chấn Hưng cùng học phổ thông, lại cùng chốt dài ngày trên Đồi Cháy, phía dưới là đồng bằng sát sông Ba Lòng. Đơn vị tôi giữ được chốt suốt từ tháng 9/1972 đến đầu tháng 11 năm ấy. Trên quả đồi con con ấy có 6 hầm bộ binh và 1 hầm cho khẩu đội pháo 12,7mm. Chiến sự ác liệt, lính mình hy sinh nhiều.
Y Hoà bị một mảnh đạn pháo 175mm bắn trúng thái dương. Đau lắm, Hoà vật vã suốt buổi sáng. (Sau này tôi nghĩ giá trúng phần mềm thì may, nhưng làm sao được vì đó là chiến tranh!). Đến 2g chiều, tim Hoà ngừng đập. Vậy là Hoà đi ngày 15/10/1972, (chứ không như anh viết trên báo là 16/10/1972. Có thể đây là sai sót của bộ phận chính sách). Còn tôi khẳng định là ngày này vì ngày đó trùng với ngày hy sinh của anh Trỗi!
Chấn Hưng của chúng ta cũng rất dũng cảm. Lần đó, khẩu 12,7mm bị hỏng, Hưng mày mò tự sửa. Chờ cho địch nống lên chỉ cách có 3m và nghĩ lực lượng ta không còn, Hưng siết chặt cò, giết chết 13 tên. Hưng hy sinh sau Y Hoà chỉ ít ngày. Sau Hưng, có khẩu đội lên chốt đã hy sinh hết vì một trái pháo khoan làm sập cả hầm chữ A.
Đêm đến, đơn vị mới cho lính vào thay quân, mang theo cơm nắm, nuớc uống, còn không thể mang LS ra được vì phải vượt đầm lầy. Chúng tôi phải mang anh em LS ra chôn ở con hào cũ trên đồi rồi đánh dấu lại. Cánh phòng không suốt 2 tháng chốt hy sinh đến 20, còn anh em bộ binh mất gần 200…
Từ chiến trường Quảng Trị, tôi ra Bắc. Đến nhà Y Hoà, tôi mang theo cuốn sách “E209 - Trận đánh và những chiến công” đặt lên ban thờ thắp hương. Trong đó có bài viết về Y Hoà một mình giữ chốt suốt một ngày trời không cho địch lấn chiếm.

Đến năm 1974, tôi đi học sĩ quan, rồi lại quay vào chiến truờng Tây Nam. Vừa rồi mới về nghỉ hưu ở thị xã Tây Ninh. Đã 35 trôi qua nhưng từng địa hình, địa vật ở chiến trường xưa, nhất là nơi chôn cất bạn mình thì không thể quên. Hơn nữa đọc bản đồ là nghề của mình. Chính tay tôi đã đánh 2 dấu đỏ trên tấm bản đồ. Tuy không chính xác 100% nhưng khả năng xác định lại rất cao.
Chúng ta bắt đầu đi anh ạ, tôi tin là sẽ tìm được. Nếu có đi tìm nhớ báo cả gia đình Chấn Hưng, bạn cùng khu tập thể với Y Hoà…”.
Thay mặt anh em Trỗi, tôi đã cảm ơn anh, người đồng đội của Y Hòa!
Chúng tôi còn quay máy nói chuyện vài lần trước khi hoàn thành bài viết. Lạ lắm, không hiểu sao máy tính đã dừng đến hai, ba lần khi viết. Hay Y Hoà thấy chúng tôi nhớ đến bạn nên đã tìm về? Ngày mai đã là 27/7 rồi…
19g ngày 26/7/2007

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Tăng Thanh Bình còn nhớ chị Thanh của Y Hòa đã nhận cuốn sách của E209.
Chúng tôi đã liên lạc với gia đình Y Hòa để báo tin vui này.