TỔNG KHỞI NGHĨA 19-8:
NHÂN DÂN HÀ NỘI ĐÃ DẠY CHÚNG TÔI
Ghi theo lời kể của ông Lê Trọng Nghĩa
… Đêm 10-3-1945, ông vượt ngục Hoả Lò cùng đ/c Trần Đăng Ninh theo đường "thăng thiên" (trèo tường rào). Tháng 5-1945, ông được phân công sang Ban Cán sự Đảng CSVN bên cạnh Dân chủ Đảng cùng đ/c Vũ Quý. Ban Cán sự nhanh chóng nắm các nhân sĩ, trí thức, công chức, sinh viên, học sinh trong Dân chủ Đảng. Họ là những người yêu nước, sẵn sàng ủng hộ Việt Minh. Đầu tháng 8-1945, đ/c Nguyễn Văn Đệ - Thường vụ Xứ uỷ Bắc kỳ - nhận nhiệm vụ theo dõi Hà Nội, còn đ/c Phạm Văn Phu[2] trực Xứ uỷ, theo dõi 10 tỉnh đồng bằng Bắc bộ.
Không khí những ngày này rất sôi sục. Khi thăm dò anh em công chức yêu nước, có ý kiến: nên khởi nghĩa vào ngày chủ nhật vì ngày đó công sở đóng cửa, như vậy sẽ dễ dàng tấn công đánh chiếm công sở; mặt khác anh em công chức có mặt ở nhà sẽ nhanh chóng bổ sung vào hàng ngũ cách mạng. Bàn đi tính lại thấy chọn khởi nghĩa vào chủ nhật thật hợp lí!
Nhưng sẽ chọn giờ nào khi trong tay không hề có bất kì phương tiện thông tin liên lạc nào? Theo thông lệ, hàng ngày, cứ đúng 10 giờ sáng, hệ thống còi gắn trên nóc Nhà hát Lớn, ga Hàng Cỏ, Nhà Tiền đồng loạt nổi lên. Loa chĩa bốn phương tám hướng, tiếng còi vang xa cả chục cây số, các quận huyện ngoại thành cũng có thể nghe được. Như vậy có thể chọn thời điểm 10 giờ, sau hiệu lệnh của tiếng còi?
Theo báo cáo của Thành uỷ: chiều 17-8 có cuộc mit-tinh của giới công chức ủng hộ “nền độc lập giả hiệu” của chính phủ Trần Trọng Kim, tổ chức ở quảng trường Nhà hát Lớn. Sáng đó, đ/c Đệ chỉ thị dùng lực lượng tự vệ phá mit-tinh, sau đó thì rút. Vậy mà buổi chiều, sau khi có mặt tại mit-tinh trở về An toàn khu ở làng Vạn Phúc, Hà Đông, đ/c phấn khởi nói với đ/c Phu: “Phải khởi nghĩa ngay. Thời cơ đến rồi!”. Chính cái không khí hừng hực, sục sôi của quần chúng cách mạng biến mit-tinh của giới công chức thành tuần hành, thị uy của quần chúng cách mạng và quân đội Nhật cùng lính bảo an, cảnh sát không dám phản ứng đã dạy cho người lãnh đạo phải hành động gấp! Ngay trong đêm 17-8, Xứ uỷ quyết định chọn ngày chủ nhật 19-8, là ngày Tổng khởi nghĩa.
Ông Nghĩa kể tiếp: “Khi Uỷ ban Quân sự cách mạng triệu tập hội nghị cán bộ mở rộng ở Dịch Vọng (ngoại thành Hà Nội) để triển khai kế hoạch hành động do anh Khôi, anh Nguyễn Quyết chủ trì. Tôi đến chậm nhưng giữa cái không khí ồn ào sôi nổi, hình ảnh của một nữ cán bộ trẻ, xinh xắn mang dáng dấp của cô gái tỉnh lẻ đã gây ấn tượng rất mạnh. Chị ta át giọng mọi người, lanh lảnh nhắc nhở: “Này, khi nào vào chiếm công đường, bắt bọn cầm đầu thì phải chú ý triệt ngay bọn lính dõng, bảo an ở bên cạnh. Nếu không chỉ vài phát súng chúng nổ vào sau lưng quần chúng là tan hết…”. Đây là kinh nghiệm xương máu ở một huyện ở Bắc Ninh mà chị đã gặp. Đối với Uỷ ban Quân sự cách mạng Hà Nội, đối với chúng tôi chưa từng lãnh đạo khởi nghĩa vũ trang thì đây là một lời cảnh báo hết sức quý báu. (Sau này mới biết chị là Phan Thị Sang, em gái đ/c Phan Trọng Tuệ và là vợ anh Nguyễn Duy Thân[3]. Đầu năm 1946, hai anh chị cùng là đại biểu khóa 1 của Quốc hội lập hiến)”.
Và ngày 19-8, đúng 10 giờ, sau hiệu lệnh còi rúc lên, mit-tinh bắt đầu. Ngay sau đó lực lượng quần chúng cách mạng chia làm 2 hướng, tấn công vào cơ quan đầu não của chính quyền cũ - Phủ Khâm sai và nơi tập trung lực lượng quân sự mạnh nhất - Trại Bảo an binh, đồng thời lực lượng các quận, huyện ngoại thành nhất loạt nổi dậy, đánh vào trung tâm hành chính.
Thời kì đó, việc liên lạc phải thông qua Z.T (giao thông) chạy bộ, cùng lắm là đạp xe chứ không có điện thoại vô tuyến, hữu tuyến. Như vậy không thể chỉ một, hai ngày mà chỉ thị của Trung ương đến nơi mà phải mất cả tuần lễ. Dù chưa có lệnh của Trung ương, nhưng nắm chắc chỉ thị “Nhật, Pháp đánh nhau và hành động của chúng ta” và dựa vào tình hình thực tế của Hà Nội mà Thường vụ Xứ uỷ Bắc kỳ đã ra quyết định thành lập Uỷ ban Khởi nghĩa Hà Nội. Hà Nội đã biết vận dụng sáng tạo chỉ thị của Trung ương, dùng áp lực của quần chúng cách mạng có hỗ trợ của tự vệ vũ trang, kết hợp với đấu tranh chính trị, thương thuyết giành chính quyền về tay. Chính vì vậy mà Tổng khởi nghĩa 19-8-1945 ở Hà Nội thành công rực rỡ nhưng không phải nổ một phát súng, không có tổn thất.
Chắc vì việc lựa chọn này hợp với lòng dân mà chỉ trong ngày 19-8, nhân dân Hà Nội đã đứng lên, giành lấy chính quyền về tay!
Tối 19-8, sau khi Lê Trọng Nghĩa và “ông cố vấn” Trần Đình Long[4] đi gặp và thuyết phục Toàn quyền Nhật ở Đông Dương chấp nhận chính quyền nhân dân, trở về, đã 12 giờ đêm mà thấy đèn trong toà nhà 101 Gambetta vẫn sáng trưng. Xứ uỷ đang họp quyết nghị phải nhanh chóng thành lập và ra mắt chính quyền mới vào sớm hôm sau.
“… Chúng tôi nhận thức: ngày 19-8 - ngày khai sinh ra một đất nước hoàn toàn độc lập, người dân được làm chủ, hoàn toàn tự do, không còn áp bức, không còn nô lệ, thì mỗi người công dân mới cũng cần có những thay đổi!
Chúng tôi đã chọn cho mình cái tên mới: anh Nguyễn Văn Đệ chọn tên Nguyễn Khang, anh Nguyễn Huy Khôi đổi là Trần Quang Huy… Tên tôi là Đoàn Xuân Tín và thường dùng danh “giáo sư Lê Ngọc” khi đi gặp cụ Phan Kế Toại và Thủ tướng Trần Trọng Kim, nay tôi chọn cái tên Lê Trọng Nghĩa. “Lê Trọng” là tên của người thầy giáo đầu tiên của tôi (em ruột bác sĩ Lê Văn Cơ, giám đốc bệnh viện Quảng Yên, sau này theo Việt Minh), thầy có tư tưởng tiến bộ, dân chủ và yêu nước nên có ảnh hưởng lớn đến nhận thức của học sinh chúng tôi. Còn “Nghĩa” với ý là “khởi nghĩa”! “.
Ngay hôm sau, tại vườn hoa Con Cóc, chính quyền nhân dân đầu tiên ra mắt quốc dân, đồng bào. Đ/c Nguyễn Khang là Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cách mạng Bắc bộ, Nguyễn Duy Thân phụ trách các cơ quan hành chính, Lê Trọng Nghĩa phụ trách đối ngoại; còn đ/c Trần Quang Huy là Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân cách mạng Hà Nội, uỷ viên là Phạm Tuấn Khánh... Khi báo giới đăng tải tên tuổi của các vị lãnh đạo chính quyền mới, giới nhân sĩ, trí thức Hà Nội hết sức ngạc nhiên. Họ đang chờ đợi những nhà lãnh đạo có tên tuổi như Dương Đức Hiền, Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu… mà nay là những cái tên rất lạ! Vì phải chớp lấy thời cơ và diễn biến quá nhanh nên Trung ương chưa về kịp. Thậm chí, Bác sĩ Trần Duy Hưng còn hỏi: “Vậy lãnh tụ của các anh là ai?”. Chuyện thật thú vị!
Sau này nhìn nhận lại, giá chỉ chậm thời điểm Tổng khởi nghĩa lại nửa ngày thì không hiểu lịch sử sẽ diễn biến ra sao! Sáng hôm sau, 20-8-1945, lực lượng của ta trên Thái Nguyên đã tấn công vào đơn vị đồn trú của Nhật. Vậy mà trước đó chỉ mấy tiếng đồng hồ, Tổng tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật, tướng Tsuchihashi, đã xác định thái độ không can thiệp vào hoạt động của người Việt, mặc nhiên thừa nhận nhà chức trách đương quyền tại Bắc bộ phủ (Dinh Khâm sai cũ). Coi như một việc đã rồi.
Trước khi chia tay, ông tâm đắc nói: “Ngày 19-8-1945 mở đầu một kỷ nguyên mới của nước Việt Nam độc lập, của một dân tộc được làm chủ chính mình và được hoàn toàn tự do! Đúng như Lênin đã dạy “Cách mạng là sáng tạo!” và chính nhân dân Hà Nội đã dạy cho chúng tôi, những người lãnh đạo khởi nghĩa, biết phải làm gì! “.
(Ảnh: Lão đ/c Lê Trọng Nghĩa đứng trước cửa Nhà hát Lớn 60 năm sau ngày Tổng khổi nghĩa ở HN, 18-8-2005).
Chú thích:
[1] Người thứ 2 là Đại tướng Nguyễn Quyết.
[2] Trần Tử Bình (1907-67), Thường vụ Xứ uỷ Bắc kỳ, Thiếu tướng 1948, Đại sứ VN ở Trung Quốc (1959-67).
[3] Nguyễn Duy Thân (1918-52), uỷ viên Uỷ ban Khởi nghĩa HN, cậu ruột và là người kết nạp đ/c Lê Quang Đạo vào Đảng 1940.
[4] Trần Đình Long (1904-45), hoạt động ở Pháp, được ĐCS Pháp cử đi học Đại học Phương Đông (1928-31). 1936-39: hoạt động báo chí công khai của Đảng, tù Sơn La (1940-45). Cố vấn cho Uỷ ban Khởi nghĩa HN, sau đó là đặc phái viên đối ngoại của Cụ Hồ. Hy sinh cuối tháng 11-1945.
4 nhận xét:
Vinh quang thay thế hệ cha mẹ chúng ta, những người đã làm nên một Cách mạng tháng Tám lịch sử, đưa nước VN ta thoát khỏi nô lệ!
Bác Nguyễn Khang là bố Đồng Thu k3, Lợi k6.
Bác Trần Quang Huy là bố Vũ Quốc Khải k3, Quốc Hoàn k6, Minh Hà k8.
Bác Lê Trọng Nghĩa là bố Trọng Huấn k5, Trọng Thắng k7.
Bác Nguyễn Quyết là bố Nguyễn Vũ Định k3.
Cuối những năm 90 người ta mới nhắc tới Vũ Quý và những chiến công thầm lặng của Ông.
Ông Vũ Quý đã bị ám sát chết từ lâu rồi. Ai ám sát thì không biết, chôn ở đâu cũng không biết, hay là mất tích từ đó. Cuối những năm 90, người ta tổ chức truy điệu, truy tặng hay kỉ niệm gì đấy. Có một ông cụ mang ảnh buổi lễ đó đến tặng lại bà Oanh, mẹ Tạ Vinh. Cụ này biết nhiều chuyện, không biết còn sống không, tên là Hiền. Cách đây 2 năm cụ còn đến thăm bà Oanh.
Tạ Vinh
Đăng nhận xét