Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2007

NHỮNG NGÀY THÁNG TÁM LỊCH SỬ

NGUYỄN BÌNH VÀ TRẬN ĐÁNH ĐỒN
BẦN YÊN NHÂN 12-3-1945
Kiến Quốc

Bần Yên Nhân, vùng đất địa linh nhân kiệt

Khi CCB Nguyễn Đình Tám, nguyên Trưởng Ty Đăng kiểm Việt Nam sau năm 1954, còn sống hay kể lại cho con cháu về vùng đất “địa linh nhân kiệt”: “Bà con Bần rất tự hào vì có nhiều nhân vật nổi tiếng: Thủ lĩnh Bãi Sậy Tán Thuật, nữ thi sĩ Đoàn Thị Điểm, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Trung tướng Nguyễn Bình…
Có nhiều huyền thoại về các vị ấy, trong đó có chuyện đánh chiếm đồn Bần của ông Nguyễn Bình…”.

Từ đảng viên Quốc dân đảng trở thành cộng sản
Nguyễn Bình tên thật là Nguyễn Phương Thảo sinh ngày 30-7-1908 tại Bần An Phú, Yên Mỹ, Hưng Yên. Là con trai thứ ba nên người làng gọi ông là Ba Thảo. Ngay từ nhỏ được ra Hải Phòng ăn học, ông sớm tham gia phong trào yêu nước, đến cuối năm 1926 bị đuổi học vì tham gia để tang cụ Phan Chu Trinh. Cuộc đời làm thợ trên tàu viễn dương bắt đầu… Năm 1928, ông tham gia Việt Nam Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học. Năm 1929, ông bị bắt ở Mac-xây (Pháp) rồi bị Toà đại hình Sài Gòn kết án, đày ra Côn Đảo. Thời gian 1930-1935, ông và Trần Huy Liệu cùng một số bạn tù Quốc dân đảng được các tù cộng sản giác ngộ. Vì vậy mà có tranh chấp quyết liệt trong nội bộ tù Quốc dân đảng và Nguyễn Bình bị đâm hỏng con mắt trái…
Năm 1935 được trả về quản thúc ở quê nhà, ông tỏ ra ngang tàng làm bọn tri huyện phải kính nể, còn thanh niên có chí thì tập tụ bên ông tập võ, hát hò… Ông bắt mối với Tô Hiệu, Tô Quang Đẩu, Trần Huy Liệu, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt)… Những năm sau lại vào tù ra tội đến hai ba lần. Năm 1941, Mặt trận Việt Minh ra đời. Năm 1942, ông được Trung ương (trực tiếp là Hạ Bá Cang) giao nhiệm vụ mua sắm vũ khí, thuốc nổ chuẩn bị vũ trang.

Trận đánh đồn Bần
Trên đường số 5 nối Hà Nội - Hải Phòng có đồn Bần Yên Nhân. Đồn có 1 trung đội lính khố xanh do 1 sĩ quan Pháp chỉ huy kiểm soát trục đường bộ từ Bần tới Phố Nối. Viên đồn trưởng có cậu con trai đang theo học thầy giáo mà Nguyễn Bình quen biết. Ông đã vận động giác ngộ thầy. Vì ông giáo thường ra vào đồn, tiếp xúc với nhiều binh lính nên đã tạo được một “cơ sở” trong đồn tên là Việt. Anh ta cung cấp nhiều tin tức quan trọng và lôi kéo được một số lính.
Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương. Lính tráng trong đồn hoang mang cực độ. Nhận thấy có thể lợi dụng điểm yếu này mà lực lượng ta có vũ trang đóng giả một tốp lính Nhật vào cướp đồn, tước vũ khí. Nguyễn Bình báo cáo gấp kế hoạch đánh đồn với Xứ uỷ và được chấp thuận.

Ngày 10-3, ông tổ chức ngay cuộc họp triển khai tại nhà đồng chí Xuân ở Mỹ Hào. Ngày hôm sau, ông lại tổ chức khai hội tại nhà cụ Hai ở Buộm. Cuộc họp có các đồng chí Nguyễn Trọng Luật (sau này là Vụ trưởng Vụ Bảo tồn-Bảo tàng), Trần Sâm (cháu gọi ông Nguyễn Đình Tám là chú, sau này là Phó bí thư Thành uỷ Hà Nội), Dũng, Vân, Lê Huỳnh… để triển khai kế hoạch đánh đồn. Cánh đóng giả lính Nhật trực tiếp tấn công vào đồn do Nguyễn Bình phụ trách; 2 đồng chí Luật và Sâm có nhiệm vụ khống chế tên lý trưởng Phách ở Bần không cho nó trở tay; 2 đồng chí Lê Trung Hiệu và Đoàn Thế Hùng (*) khống chế cầu Giai Phạm không cho dân trong làng vì hiếu kì tràn ra đường, dễ gây ra tổn thất. Việc cắt đường dây điện thoại không cho liên lạc với Hà Nội và tỉnh lị Hưng Yên được giao cho các đồng chí Thắng, Chân, Thành Công.
Đêm 12-3-1945, khi các nhóm đã tập trung đầy đủ ở ngã ba Quán Chuột, cách quốc lộ 5 khoảng 200m, Xứ uỷ viên Nguyễn Khang (*) thay mặt Tổng bộ Việt Minh dặn dò, giao nhiệm vụ. Tới “giờ G”, Nguyễn Bình, Nguyễn Ngọc Vân và Trần Phong khoác trên mình quân phục sĩ quan Nhật, lon gắn trên vai, băng đỏ đeo tay, đầu đội mũ thả che gáy, chân xỏ giày da có quấn ghệt dẫn đầu đội hình được trang bị súng ống. Riêng Nguyễn Bình có thêm thanh kiếm Nhật dắt chéo ngang hông, trông rất ngang tàng. Ông Lê Liêm (*), Xứ uỷ viên phụ trách phong trào Hưng Yên, trong vai viên thông ngôn tiếng Nhật, ăn mặc sơ-vin lịch sự, cùng đi theo. “Tốp lính Nhật” gõ chân rầm rập trên đường số 5, tiến thẳng tới cổng đồn. Một tiếng pháo nổ! Cổng đồn mở toang do có nhân mối chuẩn bị sẵn bên trong. Lực lượng ta hô “xung phong!”, rồi ào ạt xông vào làm địch không kịp trở tay. Cả trung đội lính hoảng hốt giơ tay hàng. Ta thu được 24 khẩu súng trường cùng 6 hòm đạn. Sau đó, lực lượng ta rút êm ngay trong đêm.
Sớm hôm sau, tin Việt Minh đánh đồn Bần Yên Nhân được chuyền từ người này sang người khác. Bà con đi chợ Bần không ngớt lời khen Việt Minh có tài “xuất quỷ nhập thần", "vào đồn như đi chợ”, “trong chớp mắt đã nẫng tay trên toàn bộ vũ khí của quân Nhật”. Kẻ địch cố dấu kín tin này nhưng ở Hà Nội, Hưng Yên, đâu đâu ai cũng biết. Thắng lợi này củng cố thêm lòng tin của nhân dân vào cách mạng. Dân chúng hỉ hả đồn rằng “quân đỏ” đã về đồng bằng. Chỉ mấy tháng sau Tổng khởi nghĩa nổ ra…
Khi đánh giá về trận đánh đồn đặc biệt này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói đây là “một trận đánh du lích kiểu mẫu ở đồng bằng Bắc bộ”.


Trong số những chiến sĩ tham gia trận đánh cướp đồn đồng bằng lịch sử này có nhiều phụ huynh Trường Trỗi (*) chúng ta!

Không có nhận xét nào: