Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2007

CHA MẸ CHÚNG TA

Chuyện ở cuối "Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển"

Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển đã đi vào huyền thọai với những con tầu không số và những lính thủy quả cảm. Như nếu chỉ ca ngợi những con tầu, những người lính trên biển thì chưa đủ mà phải kể đến cả sự hy sinh anh dũng của những đơn vị đón tiếp, bến bãi và sự giúp đỡ của nhân dân.

A101 Đòan 962 (còn gọi là Bến – Bến Tre), một trong những đơn vị tổ chức tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc vào chiến trường Nam bộ, được thành lập từ sau Ngày đồng khởi 1960. Năm 1966, ông Nguyễn Văn Phối (Ba Bổn) là Thuờng vụ Khu ủy Khu 8, Phó Chính ủy Quân khu 8, đồng thời là Chính ủy kiêm Đoàn trưởng.

Ngày 15/6/1966, ông đi khảo sát tìm bến bãi mới tại huyện Thạnh Phú, trên con thuyền số 4 của Thuyền trưởng Lê Văn Diện. Thuyền rời bến A101 (Bến Tre) tới bến Trà Vinh (mật danh B2), lượt về có thêm 2 thuyền chở vũ khí của B2 đi cùng. Thuyền số 4 đi sau cùng, nhưng vừa qua khỏi sông Cung Hầu thì gặp tầu hải quân Vùng 4 chiến thuật ngụy. Chúng phát hiện và cắt ngang đội hình ta. Hai thuyền của B2 lọt được vào vàm Khâu Răng (xã Thạnh Phong), còn thuyền số 4 nổ súng đánh địch kết hợp với lực lượng bảo vệ trên bờ. Nhưng lực lượng không cân sức, ông Ba Bổn hạ lệnh thực hiện phương án cuối cùng. Một chớp sáng màu đỏ bùng lên kèm theo tiếng nổ lớn chấn động cả vùng. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tham gia chiến đấu lặng người đi. Như vậy 9 đồng chí, trong đó có Đòan trưởng cùng thuyền số 4 vĩnh viễn nằm lại vùng sông biển mênh mông của tuyến đường vận chuyển. Sáng hôm sau, đơn vị bí mật cử người đi tìm xác các đồng chí hy sinh nhưng chỉ nhặt được ít phần thân thể còn lại trôi giạt vào bờ. Anh em gói vào miếng mũ che mưa, đem chôn ở Cồn Lớn, xã Thạnh Phong.

Sau năm 1975, theo yêu cầu của gia đình đồng chí Ba Bổn, một phần xương cốt trong mộ được bốc lên đưa về quê ở Đồng Tháp, phần còn lại đưa về NTLS huyện Thạnh Phú chôn trong nấm mộ lấy tên tượng trưng của 1 trong 8 LS: Thuyền trưởng Lê Văn Diện.

Và không phải ai cũng biết, đồng chí Ba Bổn chính là thân phụ của Nguyễn Công Trường, lính Trỗi k5. Vậy là ngày chú Ba Bổn hy sinh thì chúng ta đóng quân ở An Mỹ, Đại Từ. Chuyện chú hy sinh phải bao nhiêu năm sau mới biết.

Xin thắp nén tâm nhanh cầu cho ông được siêu thóat và phù hộ cho con cháu, gia đình cùng đồng đội!

(Ảnh tư liệu về ông Ba Bổn mà gia đình còn lưu giữ).

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hình như cụ Ba Bổn còn đẹp trai hơn bạn Công Trường?
Tấn Mỹ

Nặc danh nói...

Thấy cụ mặc quần còn nếp gấp mới nhớ lại ngày xưa mặc quần áo làm gì có bàn ủi để là cho phẳng phiu. Giặt xong phơi khô rồi gấp lại cho vào ba-lô, hoặc nhét xuống gối (là bằng đầu cho phẳng). Tấm ảnh kỷ niệm thật đẹp!
Phúc Chiến

Nặc danh nói...

Ui, rất tự hào về ông nội
Hồng Liên

Nặc danh nói...

Ông già mình oách thật đấy. Như vậy cái ảnh đã đến tay KQ. Bao giờ thì đến tay Bích Hằng??
Chúc thàng công.

Thanh Minh