Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2007

ĐỜI THƯỜNG TƯỚNG LĨNH


“VẪN CÒN THIẾU... ”

Một lần, Thiếu tướng Nguyễn Chơn (sau này là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) từ Quân khu 5 ra Hà Nội làm việc với Đại tướng Hoàng Văn Thái. Cuộc họp rất căng thẳng nên Thiếu tướng Nguyễn Chơn đã nghĩ “câu chuyện làm quà” để Đại tướng thư giãn. Ong chợt nhớ quê Đại tướng ở Tiền Hải, Thái Bình, nơi có truyền thống cách mạng “tiếng trống năm 30”. Đặc biệt, Thái Bình có nhiều nhân vật của những sự kiện lịch sử: Người phất lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” trên nóc sở chỉ huy của tướng bại trận Đờ Cát, chiều 7-5-1954 tại Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp. Người cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập vào trưa 30-4-1975, cáo chung sự thất bại hoàn toàn của đế quốc Mỹ và chính quyền ngụy Sài Gòn, giành thống nhất non sông. Người Việt Nam đầu tiên bay vào vũ trụ cùng phi công Liên Xô Gorbatcô...
Sáng sau, lúc giải lao, Thiếu tướng Nguyễn Chơn vui vẻ nhắc tới nhưng nhân vật đặc biệt ấy. Đại tướng im lặng nghe đến hết, sau đó mới chậm rãi nói:
- Rất cảm ơn đồng chí đã nhắc đến con người và truyền thống quê hương tôi. Nhưng thật ra vẫn còn thiếu…
- Thiếu gì ạ? – Tướng Chơn lo lắng.
- Đồng chí có biết ai là người phất lá cờ đỏ sao vàng trong trận đánh thắng đồn Nà Ngần ngày 26-12-1944 của quân đội ta, tức là trận đánh đầu tiên sau 4 ngày thành lập Đội VNTTGPQ?
- Báo cáo, không biết ạ.
- Người đó cũng là dân Thái Bình.
- Vậy là ai ạ?
- Người đang ngồi trước mặt đồng chí đây!
Rồi hai vị tướng cười khà khà cùng thư giãn.
Sau này, Tướng Chơn còn biết thêm: trong bức ảnh chụp 34 chiến sĩ tại buổi tuyên thệ thành lập Đội VNTTGPQ, ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), người cầm lá cờ đỏ đứng trước hàng quân chính là Đại tướng Hoàng Văn Thái sau này.
Chuyện thú vị không phải ai cũng biết…

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Thiếu tướng Hoàng Văn Thái là tướng lĩnh lớp đầu tiên của QĐNDVN, đầu 1948.
Ông cùng quê Thái Bình, cùng chiến đấu ở B2, rất thân thiết với Tướng Trần Độ. Chuyện này cũng được ghi lại trong "Chuyện Tướng Độ".
Cáng Kiền