Bài ca Trường Nguyễn Văn Trỗi

Nhạc và lời: Hồng Tuyến

Thứ Tư, 11 tháng 2, 2009

NGÀY XUÂN KỂ CHUYỆN TƯỚNG HOÀNG SÂM TIỄU PHỈ

Là thế hệ con cháu nhưng tôi có một ước mơ ghi lại tư liệu về những vị tướng lĩnh đầu tiên của Quân đội. Theo sách vở, đầu năm 1948, Bác Hồ ký quyết định tấn phong quân hàm đại tướng cho đ/c Võ Nguyên Giáp, trung tướng cho đ/c Nguyễn Bình và thiếu tướng cho 9 đ/c: Hoàng Văn Thái, Nguyễn Sơn, Văn Tiến Dũng, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Lê Hiến Mai, Trần Tử Bình và Trần Đại Nghĩa. Cuộc đời “các lão tướng” thật vẻ vang và đáng kính trọng! Nhân dịp Xuân mới Quý Mùi, xin kể lại chuyện tướng Hoàng Sâm tiễu phỉ ở vùng biên giới Việt-Trung đầu những năm của thập kỷ 40.
Đ/c Hoàng Sâm tên thật là Trần Văn Kỳ sinh năm 1915 tại Lệ Sơn, Tuyên Hóa, Quảng Bình. Năm 12 tuổi đã đựơc giác ngộ cách mạng và được chọn sang Thái Lan học tập. Tại đây anh trở thành liên lạc cho Bác Hồ mới từ châu Au về. Năm 1933, đựoc kết nạp vào Đoàn rồi vào Đảng. Đầu 1937, từ Trung Quốc về nước tham gia Tỉnh uỷ Cao Bằng, sau đó anh trở lại Quảng Đông dự học một trường quân sự thân Tưởng. Mùa Đông 1940, anh được gặp lại Bác Hồ cùng các đ/c Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp.
Ngày 8-2-1941, Bác Hồ từ Trung Quốc về Pắc Bó (Cao Bằng). Trong chuyến hành hương đó, đ/c Hoàng Sâm cùng các đ/c Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Đặng Văn Cáp… đã bảo vệ Người trở về nước an toàn. Tháng 5 năm đó, Hội nghị Trung ương 8 họp tại đây quyết định nhiều vấn đề quan trọng và bầu đ/c Trường Chinh làm Tổng bí thư. Cuối năm đó, đội du kích đầu tiên của Cao Bằng được thành lập gồm 12 chiến sĩ do đ/c Lê Thiết Hùng làm đội trưởng, Lê Quảng Ba làm chính trị viên và Hoàng Sâm là đội phó. Đội có nhiệm vụ bảo vệ khu căn cứ, bảo vệ Bác, tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng và tiễu phỉ trừ gian ở vùng biên giới. Từ giữa 1942, đ/c Hoàng Sâm thay đ/c Lê Thiết Hùng đi “Nam tiến”.
Lợi dụng điều kiện xã hội phức tạp và địa lý hiểm trở ở vùng biên giới mà nhiều toán phỉ có vũ trang đã cướp bóc, giết chóc gây nhiều khó khăn cho cuộc sống bà con các dân tộc. Đã khổ vì quan Tây, quan Châu áp bức nay lại phải chịu “nạn phỉ “. Nếu không dẹp được “nạn phỉ” thì sẽ khó mà động viên bà con ủng hộ và tham gia cách mạng. Từ năm 1939, Châu uỷ Hà Quảng đã phát động dân lập Hội chống phỉ với sách lược kiên quyết trừng trị đi đôi với giáo dục thuyết phục những người nghèo lầm lạc theo phỉ trở về với nhân dân. Nhưng việc thuyết phục những tóan phỉ lớn không phải dễ dàng. Chúng rất đông, nhiều súng và hoạt động rất tàn bạo. Những tên trùm phỉ sống ngang tàn kiểu “anh hùng hảo hán” nhưng rất kính nể những người can đảm, tài ba. Trong số đó có anh em Voòng A Sáng, Voòng A Sính, có Châu Slam Tha (Châu “ba mắt”), Lỳ Síu…
Đ/c Hoàng Sâm còn có tên Trần Sơn Hùng nổi tiếng cả vùng Cao Bằng là người gan dạ “đánh Đông dẹp Bắc”, bắn súng bằng 2 tay “bách phát bách trúng”, phi ngựa thì như kị sĩ, nói tiếng Quảng thì như người Hoa. Bọn trùm phỉ nghe danh rất kiêng nể nhưng lại rất thích thi gan, đọ tài với cán bộ cách mạng. Một lần, tên Lỳ Síu kéo quân đến cửa hang Pắc Bó đòi gặp ông Trần và ông Lê. Vừa trông thấy Trần Sơn Hùng với tác phong oai phong khoanh 2 tay trước ngực, súng “pặc-khoọc” đeo lệch một bên vai, con dao quắm đi rừng dắt bên hông, hắn vội cúi đầu chào và có lời mời 2 cán bộ uống rượu đến say rồi thi bắn súng, ném lựu đạn. Quả như lời đồn, gan và tài của ông Trần có một không hai – cho dù đã ngấm hơi men nhưng không cần ngắm, nâng súng sáu vẩy đâu trúng đó - đã khuất phục Lỳ Síu.
Nắm được đặc điểm những tên trùm phỉ vốn là gốc Hoa rất trọng đồng hương, đồng họ, đồng môn, đồng niên… nên đ/c Hoàng Sâm đã thân chinh cưỡi ngựa vào tận sào huyệt bọn phỉ Voòng A Sáng thuyết phục chúng hòa hoãn. Biết tiếng từ lâu nay mới “hội ngộ” lại thấy ông cùng họ (Hoàng phát âm theo tiếng Quảng Đông là Voòng, Hoàng Sâm là Voòng Sám) nên trùm phỉ hết sức quý trọng mở tiệc chiêu đãi. Trong bữa tiệc, Voòng A Sáng mời Hoàng Sâm uống rượu nhắm với “não hầu” (óc khỉ sống) và đề nghị kết nghĩa huynh đệ. Nhờ hành động rất kiên quyết nhưng lại khôn khéo mà các đ/c đã hạn chế được sự phá phách, cướp bóc của bon phỉ, làm cho nhân dân thêm tin tưởng ở cách mạng. Vì vậy số hội viên cứu quốc theo Việt Minh ngày càng đông. Từ giữa 1943, phong trào cách mạng phát triển và tiến dần về xuôi. Đội du kích Cao Bằng phân tán mỗi người một nhiệm vụ. Đ/c Hoàng Sâm được giao nhiệm vụ tổ chức đội bảo vệ các đội xung phong Nam tiến. Ngày 22-12-1944, đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập tại khu rừng Sam Cao, Nguyên Bình, Cao Bằng, đ/c được cử làm đội trưởng. Sau 2 chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần, đội phát triển thành đại đội, đ/c được cử là C trưởng. Ít lâu sau, từ đại đội phát triển thành chi đội (tương đương tiểu đoàn) đ/c lại được cử làm chi đội trưởng.
Theo chân Bác, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đ/c đảm đuơng các nhiệm vụ Chỉ huy trưởng mặt trận Tây tiến (1947), Chỉ huy trưởng khu 3 (1948), Đại đoàn trưởng 304 (1952-54) và Tư lệnh quân khu 3 cho đến ngày hy sinh tại mặt trận Trị Thiên (15-12-1968).
Cuộc đời tướng Hoàng Sâm là tấm gương sáng cho thể hệ trẻ noi gương và học tập!

Không có nhận xét nào: